|
Ảnh minh họa |
Dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TP. Hà Nội đã vận động 18 doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hoá tới 10.428 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn.
Căn cứ dân số, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, diễn biến thị trường trong 9 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn, Hà Nội đã định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa trong những tháng cận Tết năm 2019 tăng từ 10% đến 15% so với các tháng trong năm.
Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2019 (tính cho 2 tháng) gồm gạo 190.600 tấn, thịt lợn 44.000 tấn, thịt gà 14.600 tấn, thịt bò hơn 12.300 tấn, trứng gia cầm 256 triệu quả, rau củ hơn 254.000 tấn, thủy hải sản 11.200 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát... Ngoài ra là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, may mặc, điện máy... cũng được đưa vào kế hoạch.
Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết năm 2019 đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.
Cùng với đó, giá bán của các mặt hàng tham gia Chương trình sẽ được Sở Tài chính TP. Hà Nội tổng hợp và công bố trên trang thông tin điện tử. Trong trường hợp có biến động về giá, doanh nghiệp cần thông báo và làm theo hướng dẫn điều chỉnh.
Về phương thức triển khai thực hiện, UBND TP. Hà Nội đã vận động doanh nghiệp chủ động bằng nguồn vốn tự có và vốn vay từ các tổ chức tín dụng để dự trữ và phân phối hàng hóa cung ứng phục vụ thị trường.
Hiện đã có 3 tổ chức tín dụng đã đăng ký cho các doanh nghiệp vay vốn để thực hiện chương trình với tổng số vốn lên đến 2.700 tỷ đồng.
Các điểm bán hàng bình ổn của doanh nghiệp bắt buộc phải treo biển nhận diện theo mẫu quy định. Ngoài ra, để đưa hàng hóa bình ổn đến người dân tại các khu vực nông thôn, khu công nghiệp, Hà Nội đã vận động doanh nghiệp tổ chức thực hiện trên 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của nhân dân và người lao động.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, UBND Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, thực phẩm chế biến, bánh mứt, kẹo, đồ uống và các sản phẩm đặc trưng Tết để phục vụ người tiêu dùng. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ thị trường mùa tết tăng 13 - 17% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng 23 - 36% so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018.
Trong đó, trị giá hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.533 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6/1 đến 4/2/2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng trị giá hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.812 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.211 tỷ đồng.
Đối với các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt... dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 18.500 tấn. Ngoài ra, Thành phố còn dự kiến tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Các mặt hàng bia phục vụ thị trường tết dự kiến có giá bán lẻ dao động 325.000 - 392.000 đồng/thùng tùy thương hiệu. Các mặt hàng nước ngọt, giá bán lẻ dao động 209.000 - 214.000 đồng/thùng tùy thương hiệu.
Đến nay, để đáp ứng nhu cầu hàng hóa dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã bắt đầu tăng công suất sản xuất từ 10 - 30% so với ngày thường.
Bên cạnh đó, để phục vụ mùa mua sắm cao điểm cuối năm và Tết Kỷ Hợi 2019, thông qua chương trình hợp tác thương mại, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các địa phương có nguồn cung hàng hoá lớn để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa. Hiện hàng hóa nhập các chợ đầu mối đạt bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản, chiếm khoảng 60 - 70% thị trường. Dự kiến cận Tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày.
Theo ông Phạm Thành Kiên, nhằm ổn định giá cả hàng hóa cuối năm, các doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch liên kết chặt chẽ với nhà vườn để bảo đảm nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả dịp cuối năm và Tết 2019. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa tết với số lượng tăng 2 - 3 lần so với tháng thường.
“Nhằm bảo đảm hàng hóa Tết 2019 đến tay người tiêu dùng có giá tốt nhất và chất lượng cao, các doanh nghiệp cũng sẽ tăng cường thực hiện bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa, các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty đông công nhân... Từ nay đến Tết, TPHCM thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng; riêng 2 tháng cao điểm tết, thực hiện 344 chuyến. Hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết bảo đảm nguồn cung, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến”, ông Kiên cho biết thêm.
Hương Thảo (tổng hợp)