Bình ổn giá gạo trong nước khi giá thế giới tăng cao 

(ĐCSVN) - Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội gia tăng về khối lượng, giá trị xuất khẩu sau khi một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhằm bảo đảm an ninh lương thực và bình ổn giá tại thị trường nội địa.

 

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng trước cơ hội gia tăng về khối lượng, giá trị xuất khẩu. (Ảnh: T.L) 

Tình hình thế giới nhiều biến động

Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - đang kêu gọi nông dân nước này giảm diện tích trồng lúa nhằm tiết kiệm nước. “Lượng mưa thấp hơn khoảng 40% so với mức bình thường, gây ra nguy cơ thiếu nước cao”, ông Surasri Kidtimonton, Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 31/7 vừa qua. Ông Kidtimonton khuyến khích nông dân cân nhắc trồng các loại cây cần ít nước hơn và có chu kỳ thu hoạch nhanh hơn.

Trong khi đó, Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - cũng đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo trắng không phải là gạo Basmati vào tháng trước. Chính phủ nước này cho biết mục đích của lệnh cấm này là giúp hạ giá gạo và đảm bảo nguồn cung trong nước.

Ngoài ra, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nhà nhập khẩu và tái xuất khẩu lớn của gạo Ấn Độ, cũng hạn chế bán gạo cho các nước khác. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã phản ứng bằng cách thúc đẩy đàm phán lại giá trong hợp đồng mua bán khoảng nửa triệu tấn cho các lô hàng tháng 8...

Những diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu vốn đang phải chật vật trước những hậu quả của việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, vốn có vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định giá lương thực toàn cầu và ngăn chặn nạn đói ở nhiều nơi. Nga cũng bị cho là đã tăng cường những cuộc tấn công quân sự vào các cảng và cơ sở ngũ cốc của Ukraine. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, sự gián đoạn trong thương mại gạo toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh lương thực vốn đã nguy cấp ở nhiều quốc gia.

Giá gạo liên tục tăng cao

Những ngày qua, tình hình thế giới đã khiến giá gạo xuất khẩu của các quốc gia tiếp tục tăng cao. Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, đến ngày 11/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt mức 638 USD/tấn, Thái Lan đạt 651 USD/tấn. Dự báo, thị trường gạo thế giới còn tiếp tục biến động trong những tháng tới.

Cũng vì những nguyên nhân trên khiến nhu cầu nhập khẩu gạo hiện tăng cao, giá bán tốt nhưng nguồn cung lúa gạo trong nước hạn chế khiến giá tăng từng ngày.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 90% số lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Theo Bộ Công thương, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu gạo bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống châu Á, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh, và giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành.

Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước. Hiện giá xuất khẩu gạo tăng hơn 600 USD/tấn và có xu hướng tiếp tục tăng. Ðối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Xuất khẩu tăng khiến giá lúa gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 100 - 200 đồng/kg). Hiện giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Ðộ có hiệu lực), thậm chí tăng hơn 2.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp khó mua vì lúa còn trong dân không nhiều. Tình trạng này dẫn đến việc tranh mua tranh bán, đẩy giá gạo tăng liên tục; xuất hiện cò, thương lái thu gom lúa gạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp do 70% doanh nghiệp không liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với các hợp tác xã. Giá gạo xuất khẩu tăng đẩy giá gạo tiêu dùng ở Cần Thơ, Hậu Giang tăng thêm 10% so với tháng trước.

Trong khi theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến năm 2023, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, sản lượng đạt từ 43,2 - 43,4 triệu tấn, tăng 1,8 - 2% so với năm 2022. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha. Năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha cho nên sản lượng lúa thu hoạch 7 tháng năm 2023 đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.

Hiện các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ thu đông năm 2023 và thu hoạch vụ hè thu năm 2023. Với kế hoạch sản xuất này, ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước cho 100 triệu người dân, chế biến, làm giống và thức ăn chăn nuôi, cả nước có thể xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn gạo năm 2023.

Tìm giải pháp bình ổn giá gạo trong nước

Có thể thấy, chỉ trong gần một tháng qua, giá gạo đã tăng hơn 2.000 đồng/kg, giá xuất khẩu gạo đến đầu tháng 8/2023 tăng lên hơn 660 USD/tấn, nhưng doanh nghiệp gặp khó trong thu mua lúa đáp ứng đơn hàng vì lượng lúa gạo trong nước cung không đủ cầu. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đây giá cao nhưng vẫn lỗ do giá gạo trong nước tăng liên tục. Vì vậy, bình ổn giá gạo trong nước hiện là yêu cầu cấp bách được đặt ra.

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã tính toán phương án cung - cầu gạo ở mức cao để chủ động trong cảnh báo sớm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do vậy, con số dự báo có 15 triệu tấn thóc phục vụ xuất khẩu còn có thể chênh lệch tăng thêm lên 17 triệu tấn, tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Thông tin ghi nhận tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo sáng 4/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, theo kế hoạch được Bộ xây dựng từ đầu năm 2023, diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn.

"Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi", ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.

Tại Hội nghị xuất khẩu lúa gạo 6 tháng năm 2023 vừa tổ chức tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định: Thị trường xuất khẩu gạo mở ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Việc điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh thị trường nhiều biến động cần phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bình ổn thị trường gạo tiêu thụ nội địa.

Theo đó, ngày 15/8, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị số 07/CT-BCT nêu rõ, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tại địa phương cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp Cục Xuất nhập khẩu triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Chỉ thị yêu cầu Vụ Thị trường trong nước cũng theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo Sở Công thương địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, bảo đảm chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo tại thị trường trong nước, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Riêng đối với các thị trường sản xuất, xuất khẩu gạo như: Thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Campuchia..., Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại tăng cường chủ động cập nhật tình hình mùa vụ sản xuất, giá gạo tiêu thụ tại thị trường sở tại, tình hình xuất khẩu và các động thái chính sách liên quan đến bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu nhiều biến động; thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước. Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại cần theo dõi tình hình thực hiện và kịp thời xúc tiến đàm phán gia hạn các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo đã ký; tăng cường tìm kiếm cơ hội ký kết thỏa thuận về thương mại gạo với các thị trường mới, thị trường tiềm năng; chủ trì theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối được chỉ định thực hiện Bản Ghi nhớ thương mại gạo và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo khác tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo tại các thị trường.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần liên kết với nhau và liên kết với các hợp tác xã trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu để chủ động nguồn hàng cho xuất khẩu. Việc liên kết, chia sẻ thông tin là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán đẩy giá gạo tăng cao khó kiểm soát. Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long tuân thủ lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và theo dõi diễn biến thời tiết để bảo đảm các vụ lúa thắng lợi, gắn với kế hoạch xuất khẩu gạo phù hợp với tình hình thực tế./.

 
K.D
87 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 715
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 715
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87193276