Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của quân ủy Trung ương “về thực hiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền Nam xuân hè 1968” trong đó tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Khe Sanh là đòn quyết định trong chiến lược tổng thể của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Đảng uỷ và Bộ tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Tham gia chiến dịch gồm có các sư đoàn, binh chủng, các đơn vị bộ đội chủ lực tinh nhuệ. Ngày 20/1/1968 chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, được bắt đầu và lần đầu tiên Binh chủng Tăng thiết giáp điều động Tiểu đoàn 198 với hai đại đội xe tăng vào chiến trường miền Nam. Trải qua 50 ngày đêm hành quân từ Bắc vào Nam, bộ đội Tăng thiết giáp đã vượt qua chặng đường hơn 1.000km giữ bí mật, đảm bảo an toàn. Theo kế hoạch tác chiến, bộ đội Tăng thiết giáp được giao nhiệm vụ tiêu diệt địch ở cứ điểm Tà Mây. Đúng 20 giờ ngày 23-1-1968, bộ đội xe tăng xuất kích, vừa hành quân, vừa khắc phục sa lầy, chở bộ binh dùng tốc độ cao vượt lên Đường 9 đánh thẳng vào bên trong cứ điểm, dùng hỏa lực đánh sập lô cốt, ụ súng đã làm quân địch hoảng loạn tháo chạy, quân ta làm chủ trận địa. Ngay sau chiến thắng Tà Mây, Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp quyết định đưa cả Tiểu đoàn Tăng 198 vào tham chiến đấu cùng lực lượng bộ binh tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, một trong cứ điểm tiền tiêu mạnh trong hệ thống phòng thủ đường 9 của Mỹ- Ngụy. Chiến sĩ xe tăng đã dùng các biện pháp ngụy trang, giảm tiếng ồn hành quân suốt 12 ngày đêm đến sát căn cứ Làng Vây bí mật, an toàn. Ngày 7-2-1968, bộ đội Tăng thiết giáp đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, đột kích, đột phá, thọc sâu vào chi viện cho bộ binh và các lực lượng khác tiêu diệt và bắt sống gần 600 tên địch, thu toàn bộ vũ khí trang bị, làm chủ Cứ điểm Làng Vây.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nam - Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp đã ôn lại truyền thống vẻ vang và thành tích xây dựng binh chủng; đồng thời nêu rõ vai trò và ý nghĩa chiến thắng trận đầu của bộ đội Tăng thiết giáp, trong đó nhấn mạnh lịch sử sẽ còn mãi nhắc, nhớ đến chiến công đầu của bộ đội Tăng thiết giáp.
Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây có ý nghĩa chính trị to lớn, như một mốc son chói lọi mở đầu cho truyền thống vẻ vang “đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp. Chiến thắng được bắt nguồn từ đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sáng suốt của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp ngay từ khi thành lập Trung đoàn xe tăng đầu tiên cũng như khi quyết định đưa lực lượng vào tham gia chiến đấu.
Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây còn là thắng lợi của tinh thần đoàn kết chiến đấu hiệp đồng, lập công tập thể giữa bộ đội xe tăng với các quân binh chủng bạn. Đặc biệt là sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền cùng đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hoá, đối với bộ đội xe tăng cả trước, trong và sau trận đánh.
Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh, là điểm tựa vững chắc để bộ đội Tăng thiết giáp viết tiếp những chiến công.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Tăng thiết giáp đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, luôn có mặt trong những chiến dịch, trận đánh quan trọng quyết định, ở những thời điểm lịch sử có tính chất bước ngoặt, góp phần cùng quân và dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn; đồng thời, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả và bảo vệ vững chắc độc lập tự do của Tổ quốc.
Với những thành tích, chiến công xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng, bộ đội Tăng thiết giáp đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dâ, huân chương Độc Lập hạng Nhất, huân chương Hồ Chí Minh, huân chương sao vàng, 43 lượt đơn vị và 15 lượt cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đình Phục