Có thể thấy, dịch vụ này rất phổ biến và dễ dàng tìm thấy trên điện thoại như: "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online”… Điểm chung của những App này là thao tác đăng ký, thủ tục đơn giản chỉ cần chứng minh nhân dân , đồng thời quá trình giải ngân khoản vay cũng khá nhanh chóng từ 1 - 2 ngày sau khi xác nhận từ bên cho vay.

Mặc dù các ứng dụng này đều công khai mức lãi suất rất vừa phải, không vượt quá 20%/năm - mức trần lãi suất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, nếu người vay không trả đúng hẹn thì sẽ phải chịu các khoản phí và lãi phạt rất cao với lãi suất lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới 1.000%/năm, trở thành một dạng của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Chị Nguyễn Thị N (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, từ đầu tháng 1 do ảnh hưởng dịch COVID-19, thu nhập bấp bênh, con lại ốm, nghe một số bạn bè quen giới thiệu chị đã vay tiền qua app với mức vay khởi điểm 3 triệu đồng nhưng chỉ chưa đầy 4 tháng sau, tổng số nợ mà chị phải trả lên tới gần 80 triệu đồng, vượt ngoài khả năng chi trả. Khi chị xin khất đã bị các đối tượng cho vay liên tục  khủng bố tinh thần, gọi điện gây sức ép cho chị và cả người thân qua danh bạ điện thoại của chị, thậm chí chửi bới, bêu riếu trên mạng xã hội làm những ngày này chị luôn phải sống trong cảm giác lo sợ, hoảng loạn và trốn chui lủi.

Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn kỹ khi vay tiền qua app. Ảnh: KT.

Theo báo cáo của Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), tội phạm tín dụng đen và cho vay nặng lãi chiếm tới 22,6% trong cơ cấu tội phạm.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an Tô Ân Xô cho hay, tội phạm này hoạt động rất đa dạng, hầu như hoạt động ở nhiều địa phương. Đây là loại tội phạm rất nguy hiểm, trong mục tiêu đấu tranh của Bộ Công an".

Mặc dù thời gian qua , cơ quan công an đã tổ chức nhiều chuyên án nhằm nhằm triệt phá các tổ chức tín dụng đen nói chung cũng như các tổ chức vận hành các App vay tiền nói riêng nhưng tình trạng này vẫn có xu hướng tiếp diễn và gia tăng.

Bộ Công an khuyến cáo, khi vay tiền qua app, để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… Bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app.

Luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý như sau: Tại Khoản 1,2,3  Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý./.

 
Vy Thảo