Các công ty ổn định sản xuất sau dịch.

Các doanh nghiệp có khả năng thích ứng linh hoạt là tố chất đặc thù làm nên thành công. Yếu tố này được xây dựng từ những giá trị và mục tiêu cốt lõi, tầm nhìn dài hạn, khả năng ra quyết định linh hoạt, đầu tư dài hạn cũng như sự phát triển bền vững...

Cũng như mọi cuộc khủng hoảng khác, COVID -19 là thách thức đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp biết nắm bắt. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục, tận dụng tốt những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 sẽ là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp tăng cường lợi thế cạnh tranh.

 Ông Ngô Đức Nhân, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2

Chia sẻ khó khăn của công ty, ông Ngô Đức Nhân, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 cho biết, dịch bệnh COVID -19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội, và các công ty cũng không ngoại lệ. Sau dịch COVID -19, Công ty Cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 cũng bị ảnh hưởng ít nhiều tới sản xuất. Việc nhập vật tư, linh kiện từ Đức và Châu Âu gặp khó khăn do dịch Covid-19 dẫn tới quá trình giao hàng bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến công tác bảo dưỡng sửa chữa nhà máy. Năm 2020, công ty cần thực hiện trung tu mở rộng nhà máy vào tháng 9/2020 theo hợp đồng sửa chữa dài hạn nhà máy với nhà thầu Siemens (Đức). Do dịch COVID -19, nên các chuyên gia từ Đức và nước ngoài đang gặp khó khăn về cách ly nên chưa thể sang Việt Nam làm việc. Công ty Cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 đang làm việc với Sở Ngoại vụ và các bên liên quan để hỗ trợ xin cấp vi sa cho chuyên gia họ sang Việt Nam, nhưng việc này gặp khó khăn và phát sinh chi phí bởi thời gian cách ly kéo dài.

Ông Ngô Đức Nhân nhấn mạnh, điện năng rất cần thiết để phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh, do đó các nhà máy điện phải sản xuất an toàn để bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia. Nếu người vận hành  bị nhiễm bệnh dịch thì nhà máy sẽ bị đóng cửa, công ty bị ngừng sản xuất sẽ tác động xấu đến sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận,..vv. Biết được rào cản này, công ty đã nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị 16 của Thủ Tướng Chính phủ, chủ động xây dựng và thực hiện cách ly cán bộ, bộ phận sản xuất tại nhà máy, tránh tiếp xúc với người dân bên ngoài để tránh nhiễm và lây lan dịch bệnh. Các cán bộ, nhân viên của Công ty luôn thấu hiểu, tự nguyện và quán triển tinh thần chống dịch tốt, cùng chung tay với xã hội đẩy lùi dịch bệnh. Vì lẽ đó, công ty đã duy trì sản xuất liên tục, kết quả là doanh thu, lợi nhuận không những được duy trì, mà sức khỏe của cán bộ, nhân viên được đảm bảo, mức lương thưởng không bị giảm mà vẫn đạt được mức thu nhập như trước khi có dịch.

Anh Phan Văn Lân, Giám đốc công ty Liên Minh Quốc Tế Diamond-G nhận giải thưởng Thương hiệu mạnh Đất Việt

Chia sẻ với phóng viên, anh Phan Văn Lân, Giám đốc công ty Liên Minh Quốc Tế Diamond-G cho biết: “Vì biến động phức tạp của dịch bệnh chúng tôi thực hiện tốt các chỉ thị của Chính phủ. Trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn, công tác nhập khẩu hàng hoá, thị trường tiêu giảm, hiệu quả kinh doanh giảm mạnh từ 50-60%. Trong bối cảnh đó, chúng tôi vẫn kiên cường duy trì nguồn lực, tận dụng tối ưu hoá nhất các đòn bẩy, để đảm bảo cân đối quy trình sản xuất kinh doanh, đảm bảo chế độ và công việc cho các bộ công nhân viên. Cùng với đó, công ty chúng tôi thực hiện các biện pháp hỗ trợ đầy đủ các phương tiện chống dịch, như: trang bị máy lọc khuẩn, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang tại môi trường công sở và cộng đồng…. Sau dịch, chúng tôi tập trung tổng lực tăng cường nguồn cung để đáp ứng tiêu dùng cân bằng nhu cầu sử dụng sinh hoạt xã hội, hiện tại chúng tôi đang lấy lại dần cân đối quy trình cung ứng, đáp ứng được xu thế thị trường”.

Anh Phan Văn Lân chia sẻ, những khó khăn trước mắt cũng là động lực để công ty nỗ lực hơn nữa, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, đóng góp cho nền kinh tế xã hội, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho công tác an sinh xã hội.

Anh Nguyễn Đình Khoa, Giám đốc công ty MiuTea. 

Về phần mình, Anh Nguyễn Đình Khoa, Giám đốc công ty MiuTea cho rằng, trong thời điểm cách ly xã hội công ty gặp vô vàn khó khăn, cửa hàng không hoạt động, thậm trí phải tạm đóng cửa 30% hệ thống. Nhưng với ưu điểm mặt bằng thuê rẻ và tối ưu về nhân sự nên chi phí hoạt động thấp. Hầu hết nhiều chuỗi do chủ có địa điểm của mình nên không mất chi phí mặt bằng cộng với chủ nhà hạn chế thuê nhân viên, tự bán hàng để tiết kiệm chi phí. Do đó, đợt dịch này nhiều quán đóng cửa nhưng công ty vẫn phát triển, hoạt động bình thường, nhưng chưa có lợi nhuận.

Anh Nguyễn Đình Khoa nhấn mạnh, sau đợt cách ly, người dân phải thắt lưng buộc bụng, thất nghiệp cao nên họ chọn MiuTea là thức uống an toàn, đây là cơ hội cho chuỗi bởi giá cả phải chăng, phù hợp hơn so với thức uống khác. Chính vì thế, hệ thống bán hàng công ty dần dần đi vào ổn định. Hiện nay, chuỗi đã phát triển trên 100 cửa hàng trong cả nước. Trong tháng tới, công ty sẽ tăng cường truyền thông; cải tổ toàn hệ thống, áp dụng quy trình sản xuất mới, để tăng khả năng quản lý, tăng số lượng cửa hàng.

Bình thường mới trong giai đoạn hiện nay là phát triển kinh tế trong bối cảnh luôn luôn có dịch đe dọa. Vì vậy, các công ty phải tìm kiếm những hướng đi mới cho phù hợp với thực trạng, đồng thời tích cực triển khai tìm kiếm phương thức sản xuất mới, bạn hàng mới nhằm kích hoạt cho kỳ khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch COVID-19./.

 
Bài, ảnh: Chi Mai