Đông đảo du khách tắm biển Cửa Việt. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Sau hai năm khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4 và tháng 5/2016, tỉnh Quảng Trị đã ổn định đời sống của người dân thông qua việc kịp thời và chủ động thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất.
Biển hồi sinh
Bờ biển tỉnh Quảng Trị dài 75km với những dải cát trắng trải dài nối tiếp nhau. Nếu như cách nay 2 năm biển vắng vẻ do sự cố môi trường biển, thì nay biển Quảng Trị đã nhộp nhịp như vốn có.
Sáng sớm những ngày giữa tháng 5/2018, nhiều ngư dân Quảng Trị đưa tàu thuyền tấp nập cập bờ, rồi nhanh tay đưa những khay cá còn tươi rói lên bờ bán cho được giá. Ngư dân Quảng Trị đã trở lại với biển và “sống được” bằng nghề biển - nghề vốn gắn bó với họ từ bao đời nay.
Đưa chiếc thuyền công suất 40CV cập bờ, ngư dân Trần Văn Độ, 47 tuổi, xã Gio Việt, huyện Gio Linh nhanh tay đưa 5 cân mực cơm đánh bắt được trong một đêm lên bờ để bán. Ngư dân Trần Văn Độ cho biết, mực cơm thường bán được 200.000 đồng/kg, có hôm được giá 250.000 đồng/kg nên mỗi đêm ra khơi có thu nhập khoảng 1 triệu đồng, bằng với trước khi xảy ra sự cố môi trường biển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh năm 2016 chỉ đạt 15.500 tấn, năm 2017 đạt gần 24.000 tấn, dự kiến năm 2018 sẽ đạt trên 24.000 tấn. Để đạt được kết quả này, tỉnh Quảng Trị đã tập trung hỗ trợ ngư dân thông qua các chính sách phát triển thủy sản, nhất là hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 25 tàu cá được đóng mới và đưa vào sử dụng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite. Đồng thời có 93 ngư dân được vay vốn tín dụng để nâng cấp tàu cá công suất lớn. Tổng mức đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP ở Quảng Trị đạt trên 550 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được hơn 431 tỷ đồng.
Hàng năm, tỉnh dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu cho các tàu cá khai thác xa bờ. Qua đó, địa phương đã xây dựng được đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ với trên 200 chiếc công suất từ 90CV trở lên.
Nghề nuôi trồng thủy sản, một trong những nghề bị thiệt hại nặng nề nhất do sự cố môi trường biển cũng đã hồi phục. Người dân đã cải tạo hầu hết ao nuôi để nuôi những đối tượng vốn là thế mạnh của địa phương như cá, tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở vùng ven biển và bãi ngang. Ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, huyện Trệu Phong cho biết, môi trường biển phục hồi cùng với việc nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp giao thông nội đồng, đã tạo động lực cho bà con đầu tư vốn nuôi thủy sản.
Ngư dân Quảng Trị chuẩn bị ngư cụ đánh bắt hải sản. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Trị, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2016 chỉ đạt trên 7.000 tấn, năm 2017 đạt 7.800 tấn, dự kiến năm 2018 khoảng 8.000 tấn.
Không chỉ có ngư dân trở lại bám biển, mà cộng đồng cũng đã hoàn toàn tin tưởng môi trường biển phục hồi, thay vì tâm lý lo ngại như hai năm về trước. Mới đầu hè, các bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, đảo Cồn Cỏ… đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Các nhà hàng, dịch vụ phục vụ du lịch biển được đầu tư nâng cấp và hoạt động nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài rơi vào cảnh đìu hiu. Anh Ngô Quang, 33 tuổi, ở huyện đảo Cồn Cỏ chia sẻ, gia đình đã mua 3 tủ cấp đông để bảo quản hải sản, đồng thời đầu tư, nâng cấp dịch vụ để phục vụ du khách dịp hè 2018.
Việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển được tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã cơ bản chi trả bồi thường sự cố môi trường biển với hơn 1.000 tỷ đồng. Trong suốt quá trình chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển, các địa phương của tỉnh đều đảm bảo an ninh trật tự.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển được tỉnh thực hiện theo phương châm đúng đối tượng và chi trả sớm nhất có thể, để người dân sớm có vốn đầu tư sản xuất.
Quá trình chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển diễn ra minh bạch, công khai, dân chủ, có sự giám sát chặt chẽ, đồng thời có sự trao đổi thông tin thường xuyền giữa chính quyền và người dân để kịp thời giải quyết vướng mắc nảy sinh.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng chủ động và kịp thời xây dựng các mô hình sản xuất để chuyển đổi sinh kế cho ngư dân. Ngay khi sự cố môi trường biển xảy ra, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã cử 32 cán bộ nhiệt huyết, có chuyên môn cao tăng cường về 16 xã, thị trấn ven biển để cùng với chính quyền địa phương, hướng dẫn ngư dân chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm tạo sinh kế.
Sau 2 năm sự cố môi trường biển, các cán bộ này cùng chính quyền các xã, thị trấn ven biển đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất, giúp ngư dân có thu nhập. Điển hình là các mô hình: nuôi gà thả vườn ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong giúp mỗi hộ thu lãi từ 10 - 13 triệu đồng; trồng kiệu và trồng mướp đắng ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong mỗi hộ thu lãi 5 triệu đồng/mô hình; trồng ném ở xã Hải An, huyện Hải Lăng cho thu lãi 25 - 30 triệu đồng/ha...
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, đến nay địa phương đã thành công trong việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển, qua đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự.
Người dân nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển đã sử dụng để cải hoán, nâng cấp tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ, đồng thời kết hợp cải tạo vùng cát ven biển để xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh đã giúp đời sống của người dân ổn định.
Tiếp tục sát cánh cùng ngư dân
Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hơn 8.000 hộ và gần 16.000 người dân ở 16 xã, thị trấn vùng ven biển của tỉnh Quảng Trị. Theo ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tỉnh vẫn ưu tiên hỗ trợ người dân vùng ven biển và bãi ngang; tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ bà con; lồng ghép vốn từ các chương trình để đầu tư vùng ven biển; tăng cường cán bộ khoa học kỹ thuật về địa phương giúp người dân; nhân rộng mô hình chuyển đổi sinh kế đã có hiệu quả.
Trong năm 2018, tỉnh Quảng Trị dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ đội tàu cá khai thác xa bờ. Theo đó, tỉnh dành trên 47 tỷ đồng để hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên khai thác hải sản xa bờ, theo Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển xa.
Thu mua hải sản ở Quảng Trị đã nhộp nhịp trở lại. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Với Nghị định 67/NĐ-CP, tỉnh hỗ trợ ngư dân mua các loại bảo hiểm cho thân tàu, thuyền viên và bảo hiểm rủi ro đặc biệt cho trên 200 tàu có công suất từ 90CV - 400CV, với kinh phí gần 7,2 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu cá công suất từ 400CV đến trên 800CV khoảng 3,8 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu cá theo nghị định này.
Năm 2018, ngành thủy sản tỉnh cũng mở 13 lớp đào tạo nghề cho gần 450 ngư dân, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng. Các lớp đào tạo tập trung hướng dẫn ngư dân, sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ cao, được trang bị cho tàu cá và công nghệ bảo quản hải sản sau thu hoạch.
Đối với nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển, bãi ngang, tỉnh Quảng Trị xác định tôm là vật nuôi chủ lực. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 ổn định diện tích nuôi tôm 1.500 ha, sản lượng đạt khoảng 6.800 tấn, giá trị từ tôm nuôi đạt trên 600 tỷ đồng; trong đó diện tích nuôi tôm sú 500 ha, sản lượng đạt khoảng 1.300 tấn, 1.000 ha còn lại nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt khoảng 5.500 tấn. Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm, tỉnh đang xây dựng vùng nuôi tôm hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở vùng cát ven biển ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng.
Đối với du lịch biển, tỉnh Quảng Trị kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nâng cấp dịch vụ phục vụ du lịch biển. Trong đó tỉnh tập trung phát triển "tam giác" du lịch biển: Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ với việc cải tạo các bãi tắm, chú trọng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, lặn biển…
Nhiều ngư dân kiến nghị, môi trường biển vừa hồi phục, vì vậy cơ quan chức năng cần tăng cường ngăn chặn nạn đánh bắt hải sản tận diệt, hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất, tuyên truyền để người tiêu dùng biết hải sản đã an toàn…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn, xử lý đánh bắt hải sản tận diệt; tăng cường tập huấn cho ngư dân khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản và không xâm phạm vùng biển nước ngoài; tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ giống và kỹ thuật sản xuất cho ngư dân. Đối với phát triển du lịch biển, tỉnh đầu tư đóng mới tàu đưa khách du lịch ra đảo Cồn Cỏ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ban hành chính sách ưu đãi về thuê đất, kết nối các tuor du lịch…/.