Ngày 28/3, tại Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương gợi mở cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ: Xu hướng toàn cầu - tầm nhìn quốc gia - hành động địa phương.
Về xu hướng toàn cầu, đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang và chiến tranh thương mại đã kích hoạt chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc kinh tế và phong trào phản kháng toàn cầu hóa trở nên mạnh mẽ hơn; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là bước chuyển nhanh sang nền kinh tế số đưa đến những nhận thức phát triển mới: nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tài nguyên số và trí tuệ con người, động lực tăng trưởng nhanh nhất là những ngành thích ứng với chuyển đổi số, đặc biệt là kinh tế số; sự cạn kiệt, thiếu hụt tài nguyên khiến các xu hướng nổi bật như tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn mang đến cho thế giới những động lực mới để phát triển nhanh và bền vững…
Về tầm nhìn quốc gia, tăng năng suất là phương thức quan trọng nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển của mình. Có ba cách tăng năng suất, gắn liền với việc khởi tạo ba động lực chính của tăng trưởng: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực; Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô (cả nội tại và ngoại vi), khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng ngành, từng doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho quá trình nhập cuộc - rút lui của các doanh nghiệp để mở rộng sân chơi và nguồn lực cho những chủ thể kinh tế hiệu quả nhất trên thị trường.
Tăng năng suất cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Mỗi địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mình để lựa chọn cách làm sáng tạo trong khai thác tốt các nguồn lực, cũng như tạo dựng các động lực phát triển. Các địa phương cần nỗ lực tìm kiếm, khơi thông, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực đa dạng tại chỗ, nhất là các nguồn lực trong nhân dân, để hiện thực hoá các sáng kiến phát triển của mình, bứt phá, vươn lên.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hội thảo sẽ là diễn đàn để các địa phương cùng chia sẻ, thảo luận những mô hình hay, những cách làm sáng tạo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ thực tiễn huy động, phân bổ và quản lý các nguồn lực tại chỗ của địa phương kết hợp với nguồn lực của cả nước và bên ngoài.
|
Hình ảnh tại Hội thảo. |
Với quy mô cấp quốc gia, hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, với 76 bài tham luận, trong đó có 21 tham luận của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành… Các bài viết đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã kiến giải sâu sắc nhiều chiều cạnh khác nhau các nội dung của hội thảo. Có hơn 20 tham luận, thảo luận trực tiếp tại hội thảo, đều là những ý kiến phát biểu tâm huyết, chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề mới, đang bức thiết đặt ra, nhất là tập trung bàn sâu từ phương diện quản trị địa phương về vai trò, vị trí, phương pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thành công đột phá, bài học hay, kinh nghiệm quý, kể cả những tồn tại, bất cập, vướng mắc, điểm nghẽn, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị có giá trị trong huy động, phân bổ, sử dụng tối ưu nhất nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và các địa phương.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, địa phương nào cũng có những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực riêng, nhưng nếu không biết cách khai thác thì nguồn lực mãi chỉ ở dạng tiềm năng. Do đó, cần khai thác tối đa các nguồn lực để có thể biến thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế, nhất là sau đại dịch COVID-19. Tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng chủ trương thực hiện đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng, giải phóng mặt bằng càng nhanh thì việc triển khai các dự án càng sôi động và mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy các chuỗi việc làm sau đó.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu chào mừng và tham luận tại Hội thảo. |
Từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cho biết, trong 10 năm qua, tỉnh đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Hội thảo bàn thảo vấn đề hết sức quan trọng và mang tính thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, nhất là khi cả nước đang quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Việc khơi thức, nuôi dưỡng, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực và tạo những động lực tăng trưởng, phát triển mới luôn là yếu tố căn cốt, rất quan trọng của quản trị và phát triển đất nước nói chung, của quản trị và phát triển địa phương nói riêng. Trong bối cảnh xảy ra những biến cố, khủng hoảng ở quy mô lớn, như đại dịch COVID-19, việc tối ưu hóa các nguồn lực và động lực càng có ý nghĩa quan trọng, nhằm gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế - xã hội, tạo những tiền đề cho sự ổn định ngay trong tình trạng bất định, “biến nguy thành cơ”, tìm thấy những cơ hội phát triển mới trong và sau đại dịch. Đồng thời, sự phát triển của mỗi địa phương cần luôn đặt trong tổng thể sự phát triển chung của vùng, đất nước, coi trọng liên kết nội vùng, liên vùng, liên quốc gia, có trách nhiệm đối với sự phát triển toàn cục, tuyệt đối tránh tư duy cát cứ, cục bộ, vị kỷ; luôn hướng tới tầm nhìn phát triển chiến lược dài hạn, khát vọng phát triển lớn lao, mong muốn thâu thái trí tuệ, nguồn lực, kinh nghiệm rộng lớn, nhưng hành động thực tế, khả thi, mang lại những hiệu quả rõ rệt, thể hiện rõ “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”./.