Biến đột phá thành hành động 

(Chinhphu.vn) - Để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của quan trọng của nền kinh tế nước ta bên cạnh sự mong mỏi, phải có cách làm hay cùng với tính lý trí cao cho một tương lai dài hạn của đất nước.

 

PGS.TS Bùi Tất Thắng. Ảnh: VGP/Phương Liên

PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về mong muốn cho kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển của Đảng ta.

Xin ông đánh giá khái quát về vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay?

PGS.TS. Bùi Tất Thắng: Trong thể chế kinh tế thị trường mô hình chuẩn theo thông lệ quốc tế tối ưu của một nền kinh tế thị trường, người ta không đặt vấn đề là phải có một đường lối phát triển KTTN như ở ta. Việc chúng ta đề ra đường lối này xuất phát từ đặc thù của một quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường cho đến nay chưa hoàn tất. Bởi vậy đối với các nền kinh tế thị trường, người ta mặc nhiên thừa nhận ngay từ trong Hiến pháp, từ trong các quy định pháp lý của nhà nước, chế độ sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ cho quyền sở hữu tư nhân một cách hợp pháp và minh bạch.

Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta đã có thời kỳ chủ trương xóa bỏ KTTN để xây dựng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Nay chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường thì chúng ta phải khôi phục lại cơ sở kinh tế của nền kinh tế đó, tức là thừa nhận sự tồn tại lâu dài và hợp pháp, được Nhà nước bảo hộ của KTTN.

Tuy nhiên, do những hoàn cảnh lịch sử mà sự phát triển của KTTN ở nước ta bị gián đoạn. Có thể nói hiện nay còn nhỏ, yếu so với mặt bằng cạnh tranh chung của khu vực và thế giới. Vì vậy, Nhà nước đã chủ trương khuyến khích, hỗ trợ cho khu vực này. Đây được coi là một quyết sách đúng đắn và thể hiện sự kiên trì, nhất quán của Đảng và Nhà nước kể từ khi đổi mới đến nay, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh đưa nền kinh tế của ta trở thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đến Đại hội XII khẳng định rằng tính thị trường phải đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế, ở trình độ chung của thế giới và hội nhập được vào thế giới. Muốn vậy, cơ sở kinh tế của nó, trong đó một trong những cơ sở quan trọng nhất là thừa nhận KTTN. Đại hội XII đã khẳng định mạnh mẽ rằng KTTN là "động lực quan trọng", so với trước đây chỉ nói là một trong những động lực của nền kinh tế. Có thể coi như một bước tiến của nhận thức xét từ logic kế hoạch hóa tập trung chuyển sang kinh tế thị trường.

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm một ý, trong học thuyết kinh tế của Marx, khi nền kinh tế thị trường phát triển đến một giai đoạn cao, khi hình thức của sở hữu tư nhân không chỉ là những sở hữu của chủ doanh nghiệp, hay một gia đình, một trang trại, một công ty, mà nó đạt đến trình độ, chế độ sở hữu cổ phần. Lúc đó sở hữu tư nhân được coi là sở hữu xã hội chứ không phải đối lập với chủ nghĩa xã hội. Đây là điều cần chú ý về mặt tư duy lý luận.

Tôi nghĩ rằng khi nghiên cứu về kinh tế chính trị học Marxit thì phải hiểu thật kỹ điều này. Hình thức sở hữu tư nhân thông qua hình thức cổ phần, tính chất xã hội của sản xuất được phổ cập và lúc đó người ta không coi sở hữu tư nhân là một mặt đối lập của sở hữu xã hội mà hình thức sở hữu tư nhân ở dạng cổ phần là một hình thức của sở hữu xã hội. Bởi vậy, ở những nước phát triển, những doanh nhân thành đạt coi việc phát triển cơ sở kinh tế của họ không chỉ là phát triển kinh tế cho họ và gia đình họ mà là cho xã hội.

Ở nước ta hiện nay, mặc dù KTTN vẫn còn nhỏ nhưng xét về mặt ổn định kinh tế và xã hội thì có những ý nghĩa rất quan trọng. Từ khi chúng ta đổi mới, thôi chế độ hợp tác xã kiểu cũ, cải cách doanh nghiệp nhà nước, bộ phận KTTN hiện nay chiếm vào khoảng 43% GDP, 38% vốn và chiếm 86% lao động. Như vậy, số người sống nhờ vào lao động và gia đình họ sống nhờ vào khu vực KTTN chiếm phần lớn trong xã hội. Giả sử nếu không có sự phát triển tốt và bền vững thì sẽ ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của đông đảo cư dân Việt Nam hiện nay. Càng đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì càng ảnh hưởng quan trọng. Thành tựu chung của 30 năm đổi mới, trong đó có tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo có một phần rất lớn nhờ cậy vào khu vực KTTN này. Thực tế giờ chúng ta có gọi là động lực quan trọng hay không quan trọng nhưng hiện thực là với rất nhiều người họ vẫn coi đó là sự sống còn, cuộc sống thiết thân của người ta. Ở đây giữa nhận thức và thực tế cũng phải có sự điều chỉnh. Nhận thức phải theo thực tế chứ không phải thực tế theo nhận thức.

Chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì về sự phát triển của khu vực KTTN cho giai đoạn phát triển tiếp theo?

PGS.TS. Bùi Tất Thắng: Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII Đảng ta ra 3 Nghị quyết. Ba Nghị quyết này đều xoay quanh trục chung, hợp thành thể chế chung của kinh tế Việt Nam. Với Nghị quyết về kinh tế tư nhân, tôi rất tâm đắc với những tư tưởng mới, trong đó khẳng định vai trò quan trọng, động lực quan trọng của KTTN đã được khẳng định trong Đại hội XII và được cụ thể hóa khá nhiều tư tưởng, quan điểm thành hướng chính sách rất cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục nghiên cứu để triển khai để phục vụ cho sự phát triển của KTTN trong giai đoạn sắp tới.

Trong những việc phải làm, có hai việc. Việc thứ nhất ở tầm kinh tế vĩ mô, định hướng chung của 3 Nghị quyết này là đều phải tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho sự phát triển của  bất kể khu vực kinh tế nào, trong đó có KTTN. Tại sao cứ hay nói đến chuyện phải phục vụ KTTN? Bởi vì trong quan niệm chung của xã hội và cộng đồng doanh nhân, người ta vẫn có mặc cảm rằng trong sự đối xử không bình đẳng thì phần thiệt thòi thuộc về KTTN. Thực tế cũng có lý, việc cải cách thủ tục hành chính, những luật pháp có liên quan và hỗ trợ KTTN, đây là giai đoạn cần quan tâm nhiều hơn bởi vì nền kinh tế thị trường của ta chưa thuần thục, chưa nhuần nhuyễn và bản thân bộ máy vận hành, cả cơ quan tham mưu lẫn cơ quan quản lý trong chừng mực nào đó vẫn chưa phải là những người công chức viên chức của nền kinh tế thị trường mang tính chuyên nghiệp. Chính vì vậy những yêu cầu về cải cách hành chính vẫn tiếp tục được đặt ra.

Trước nay, trên những văn bản pháp lý của Nhà nước đề ra những chính sách rất cụ thể để hỗ trợ những khu vực KTTN nói riêng và khu vực doanh nghiệp nói chung. Ví dụ điều kiện gì thì được hưởng thuế thấp, được tiếp cận đất đai dễ, được vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn, giúp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khoa học-công nghệ… Ngành nào cũng thực sự có ý thức để thiết kế những chính sách góp phần phục vụ vào kinh tế nói chung và KTTN nói riêng. Nhưng về phía những người hưởng thụ, cụ thể ở đây là những doanh nhân, họ vẫn chưa cảm thấy được đáp ứng, hoặc chí ít cũng chưa được như kỳ vọng. Nếu như thủ tục phiền hà quá, chi phí tốn kém quá, những điều kiện để được những ưu đãi kia khó khăn quá, phức tạp quá… Như hiện tại, theo tôi cần phải có bộ phận nào đó nghiên cứu rất rạch ròi, kê ra từng vấn đề để có thể giải quyết được những khó khăn ấy cho doanh nghiệp.

Sự phát triển của KTTN phần lớn không đòi hỏi ưu tiên đặc thù nhiều nhưng họ đòi hỏi một môi trường thực sự bình đẳng, minh bạch cho các hoạt động kinh tế. Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông đánh giá thế nào về các giải pháp như là tính đồng bộ của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về kinh tế tư nhân?

PGS.TS. Bùi Tất Thắng: Theo quan điểm của tôi, hiện nay, chỉ còn ít vướng mắc thuộc về quan điểm chính sách vĩ mô lớn, chỉ còn những thao tác cụ thể của cán bộ thừa hành và cách vận hành của đời sống hiện thực mang tính vi mô. Ví dụ như nói cần phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, giờ cả xã hội đều bàn về vấn đề này nhưng vẫn thấy khó. Chúng ta vẫn thiếu những đội ngũ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên nghiệp. Như ở Mỹ, nếu một người muốn mở cửa hàng bán đồ lưu niệm ở góc phố này chỉ cần đăng ký qua mạng và trong vòng một vài ngày sẽ được cấp phép khi đã đủ điều kiện. Ngay lập tức Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ ở địa bàn đó sẽ cử một chuyên gia về lĩnh vực kinh doanh đó tới cửa hàng lưu niệm mới mở để hỏi han và hướng dẫn cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp mọi cách thức để triển khai tốt nhất. Như vậy, mọi người đều dễ dàng bước vào thị trường kinh doanh một cách tự nhiên. Mọi người đều chia sẻ lợi ích đó.

Đôi khi chúng ta nhìn nhận KTTN chỉ như một sự cạnh tranh khốc liệt “cá lớn nuốt cá bé” trong bối cảnh hiện nay cũng đã có sự thay đổi. Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi được ở thế giới như tính hiện đại, tính đầy đủ và tính hội nhập quốc tế của thị trường.

Nếu chúng ta khai thác tốt những bài học kinh nghiệm về mặt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đôi khi không phải chỉ mỗi chuyện vốn, công nghệ, hay thị trường, nó là tập quán hay môi trường kinh doanh của xã hội. Lâu nay chúng ta đặt vấn đề những cơ quan tham mưu, làm chính sách phải tốt, họ cũng đã làm và đã có nhiều việc cũng khá tốt. Nhưng tiếp đó là phải vận hành xuống đến những cơ sở mang tính vi mô như thế. Hiện nay chúng ta còn trống. Có lẽ, giai đoạn sắp tới, những hỗ trợ phải đi vào hành động cụ thể và thiết thực.

Tính đúng đắn, hợp lý hay khuyến khích được đo bằng chính ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Không tạo cơ sở cho sự hành động thì không có cơ sở thực chất để kiến tạo.

Việt Nam vẫn đang có rất ít doanh nghiệp tư nhân lớn, việc định hướng phát triển một số tập đoàn KTTN lớn cần đặt ra như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Bùi Tất Thắng: Nhìn ra thế giới bên ngoài, nền kinh tế thị trường nào cũng có sự thành đạt tạo nên từ những công ty tư nhân có tên tuổi. Ví dụ nói đến Nhật Bản người ta nhắc đến Honda, Mitshubishi, nhắc đến Hàn Quốc là Samsung, Hyundai… Những thương hiệu đó mặc nhiên trở thành niềm tự hào quốc gia. Sau 30 năm đổi mới sang kinh tế thị trường, chúng ta vẫn chưa có những cái tên để làm người Việt Nam tự hào, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chúng ta hiện nay có một số công ty lớn, trong dân gian vẫn gọi họ là những 'đại gia' với hàm ý chưa phải là tự hào, người dân chưa cảm thấy họ là biểu tượng của nền kinh tế quốc gia. Điều này cần phải khắc phục.

Trong Đại hội XII, Đảng đã yêu cầu phải phát triển doanh nghiệp Việt Nam, muốn ngầm ý phải tạo được lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối chọi với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngày xưa chúng ta nói đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam là phát triển những tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, nhưng giờ chúng ta nói doanh nghiệp Việt Nam thực chất là kinh tế tư nhân.

Rất mong có những doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển. Phát triển kinh tế tư nhân thì cách làm rất quan trọng. Trong KTTN, quan hệ kinh tế chuẩn mực là đấu thầu và hợp đồng. Thông qua đấu thầu mới chọn được doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất. Còn nếu chúng ta phát triển KTTN theo cách chỉ định người thắng cuộc thì nguy cơ, rủi ro tham nhũng lại tăng lên. Bởi vậy, theo tôi, không nên quá nôn nóng, vội vàng chọn người thắng trước khi cạnh tranh phát triển. Hãy làm cho môi trường cạnh tranh thật sự lành mạnh, những người xứng đáng thắng thông qua đấu thầu – có tư duy phát triển, có chiến lược dài hạn, năng lực công nghệ, vốn, quản lý nhân sự… Nhà nước nên có hỗ trợ để những doanh nghiệp, doanh nhân đó phát triển mang tính biểu tượng quốc gia. Điều này chỉ ra đời được trong một cơ chế thật sự lành mạnh. Nếu trong cơ chế mà còn tình trạng tham nhũng, tình trạng nhiễu loạn, tình trạng lợi ích nhóm… sẽ khiến chúng ta rơi vào nguy cơ chọn nhầm người thắng. Lúc đó giá phải trả sẽ rất lớn.

Chính vì vậy, để phát triển KTTN trở thành một động lực của quan trọng của nền kinh tế nước ta bên cạnh sự mong mỏi, phải có cách làm hay cùng với tính lý trí cao cho một tương lai dài hạn của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Phương Liên (thực hiện)

383 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1149
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1149
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87186358