Biên cương bao đời vẫn luôn 'Hảo vị trù phương lược' 

(Chinhphu.vn) - “Giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại” là một chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua. Trong bài viết nhan đề “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn” nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh chủ trương này và nhìn lại lịch sử, đây cũng chính là sách lược dựng nước và giữ nước của cha ông ta.

 

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cùng dân quân trên đường tuần tra biên giới (Ảnh TTXVN)

Thuở chưa có đường biên giới chính thức, vùng biên cương quốc gia Đại Việt toàn núi thẳm sông sâu, các vương triều phong kiến độc lập tự chủ vì thế càng không lơi lỏng biên phòng và canh giữ từng tấc đất giang sơn của tiên tổ.  

 

Ngay sau kháng chiến chống Tống, vua Lý cho đi sứ phương Bắc. Đại Việt sử ký ghi rõ: Năm 1078, sứ bộ do Đào Tòng Nguyên dẫn đầu và năm 1084 do Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh dẫn đầu, nhằm tái lập bang giao và đàm phán lấy lại đất và dân vùng biên. Trong thư gửi cho vua nhà Tống đòi đất, vua Lý Nhân Tông viết: "Mặc dầu những đất ấy nhỏ bé nhưng vẫn khiến lòng tôi đau xót luôn luôn, nghĩ đến cả trong giấc mộng”. Năm 1171-1172, vua Lý Anh Tông đích thân "tuần tra các hải đảo ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam, Bắc, tìm hiểu đường đi, vẽ bản đồ, ghi chép phong vật".

 

Nhà Trần phải canh giữ biên phòng với cả phía bắc và phía nam, bởi nhiều phen giặc Bắc sử dụng cả đường đất của Chiêm Thành để đánh Đại Việt. Nhà Hồ cũng phải phòng bị biên cương không chỉ bằng thần công hỏa hổ mà có cả khinh quân địa phương... Nhà Lê sơ có quốc gia Đại Việt thịnh vượng vẫn không ỷ vào sức mạnh để coi nhẹ biên thuỳ. Ngay sau cuộc dẹp loạn ở biên cương (năm 1432) vua Lê Thái Tổ cho khắc vào vách núi đá ở Hoà Bình để nhắc con cháu: "Biên phòng hảo vị trù phương lược; Xã tắc ưng tư kế cửu an” (Việc biên phòng cần có phương lược phòng thủ; đất nước phải lo kế lâu dài). Năm Hồng Đức thứ 4 (1473), tháng 4, vua dụ cho Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy (quan đứng đầu phụ trách việc biên cương) rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. Luật Hồng Đức năm 1483 có điều khoản 74, 88 về bảo vệ đất đai ở biên giới: "Những người bán ruộng đất ở biên cương cho người nước ngoài thì bị tội chém"; quan phường xã biết mà không phát giác cũng bị tội; "Những người đẵn tre, chặt gỗ ở nơi quan ải thì bị xử tội đồ" (đày khổ sai).

 

Từ thế kỷ XVII, mặc dù đất nước bị phân tranh, nhưng các chính quyền phong kiến Đại Việt không ai là không biết cách “trù phương lược” biên phòng cho khéo. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi các Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã “Nghiêm sức cho người phương Bắc sang trú ngụ, nhất luật phải tuân theo phong tục nước ta”, “từ ngôn ngữ đến đồ mặc nhất luật phải theo phong tục nước ta”. Đối với dân vùng biên “không được bắt chước tiếng nói và đồ vật của người phương Bắc”. Năm 1724, chúa Trịnh Cương sai Phạm Ích Khiêm đi sứ nhà Thanh, đàm phán lập giới mốc ở núi Xưởng Chì (Diên Xưởng) ở Vị Xuyên, Hà Giang ngày nay, thu được 80 dặm, sau đó thu được đủ 120 dặm biên giới, góp phần gìn giữ biên cương. Các chúa Nguyễn trong công cuộc mở mang bờ cõi Đàng Trong đã xác lập chủ quyền đối với các đảo dọc bờ biển miền Trung và miền Nam: Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn đảo, đầu thế kỷ 18 đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên các đảo trong Vịnh Thái Lan, đồng thời quan tâm đến việc xác lập củng cố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến triều Nguyễn, các Hoàng đế Gia Long, Minh Mạng liên tiếp phái thuỷ quân ra Hoàng Sa – Trường Sa khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ, lập miếu, dựng bia.

 

Thế kỷ XIX, biên giới được hoạch định, biên cương không chỉ có vùng biên mà còn có giới hạn đường biên. Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam thực hiện "trù phương lược" theo cách của phương Tây: Dựa vào luật pháp quốc tế và thực tế lịch sử để xây dựng hành lang pháp lý quốc gia; đưa lực lượng thực thi và bảo vệ chủ quyền lên vùng biên. Chính quyền thuộc địa vẫn phải có sức lực trí tuệ người bản xứ trong thực địa để bảo toàn cương vực và hình hài ba "Xứ". Chính biên phòng pháp lý và biên phòng thực địa ấy là cơ sở quan trọng để "Ta lại là ta" sau hơn 80 năm thuộc Pháp.

 

Thời kỳ đất nước bị chia cắt, láng giềng khăng khít chống kẻ thù chung, giúp đỡ lẫn nhau nên dễ bị lợi dụng; khi đất nước thống nhất, biên giới bị xâm lấn, kẻ thù cấu kết nhau, lấy vấn đề biên giới làm nguyên cớ gây chiến tranh phá hoại quan hệ láng giềng hữu nghị. Vì thế ngay sau khi đất nước thống nhất, giang sơn liền một dải, Việt Nam phải tiến hành gần như song song hai cuộc chiến bảo vệ biên giới ở hai đầu Tổ quốc. Đó là những cuộc chiến đấu tự vệ, chống lại hai thế lực đồng lõa với nhau hòng phá hoại và làm suy yếu đất nước Việt Nam. Song thực tế chiến tranh và xung đột biên giới dù thế nào cũng chỉ là nhất thời và không thể làm thay đổi được lân bang; láng giềng hữu nghị và hợp tác vẫn luôn là lẽ sống trường tồn, nhưng việc biên phòng vẫn nhắc nhở quốc gia phải "trù phương lược".

 

Đất nước 40 năm sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới, biên phòng Việt Nam có thêm nhiều phương lược được trù tính:

 

Những văn bản pháp lý để hoàn chỉnh hoạch định biên giới phía bắc và biên giới Tây Nam được ký kết; việc phân giới cắm mốc đã và đang thực hiện suốt mấy chục năm, mỗi năm đều có kết quả thực địa rất thiết thực.

 

Phát triển kinh tế-xã hội địa phương biên giới cùng với xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở vùng biên vẫn là phương lược căn cơ; bởi suy cho cùng, việc tạo điều kiện cho người dân vùng biên giới ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển, để lòng dân trở thành “cột mốc” biên giới vững bền, đó vẫn là quan trọng và quyết định nhất.

 

Phương lược biển đảo tuy còn nhiều mới mẻ khi đặt vào khuôn khổ thế kỷ đại dương, nhưng mấy chục năm nay đã đặt ra những kế sách ban đầu, mở được tầm nhìn đến năm 2030-2045.

 

Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới trong đó có cả quân dân và lãnh đạo cấp cao quân đội hai bên thúc đẩy trao đổi thông tin và thấu hiểu; bộ đội biên phòng là người đóng vai trò trung tâm trong tổ chức và hoạt động giao lưu, duy trì luật pháp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời duy trì hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Hà Minh Hồng

537 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1232
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1232
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143163