Biến cam kết thành hành động chống ‘ô nhiễm trắng’ 

(Chinhphu.vn) – Chủ đề Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm 2023 nhấn mạnh việc biến các cam kết thành hành động thực tiễn, áp dụng rộng rãi các giải pháp giảm thiểu nhựa, đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Biến các cam kết thành hành động chống ‘ô nhiễm trắng’ - Ảnh 1.

Trao tặng túi thuốc và Cờ Tổ quốc cho ngư dân biển tỉnh Nghệ An tại Lễ phát động - Ảnh: VGP/TH

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, cùng với hơn 150 quốc gia trên thế giới, ngày 4/6, tại thị xã Cửa Lò, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6).

Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023 (từ 1 - 8/6) là "Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo".

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Cần giải pháp thiết thực ứng phó với ‘ô nhiễm trắng’

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" với trọng tâm thực hiện chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa" tiếp tục được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2023. 

Thông điệp này cùng với chủ đề "Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi" của Ngày Đại dương thế giới đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; nhấn mạnh vai trò của đại dương, cuộc sống của nhân loại phụ thuộc vào đại dương; nhân loại cần chung tay hành động bảo vệ đại dương cũng như toàn bộ hành tinh xanh của chúng ta.

Biến các cam kết thành hành động chống ‘ô nhiễm trắng’ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa - Ảnh: VGP/TH

Bộ trưởng nhấn mạnh, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm 2023 là cơ hội khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

"Chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. 

Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời", Bộ trưởng nêu vấn đề.

Ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựatrong đó tập trung thực hiện chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa".

Chủ đề năm nay nhấn mạnh việc biến các cam kết thành hành động thực tiễn, áp dụng rộng rãi các giải pháp giảm thiểu nhựa, đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường…

Truyền tải mạnh mẽ hơn thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển.

Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống được triển khai đồng bộ trên cả nước; nhiều phong trào phòng, chống rác thải nhựa được phát động thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững. 

Nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Mỗi người dân, doanh nghiệp là hạt nhân tích cực giảm thiểu ô nhiễm nhựa,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

Một là, thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển; coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Hai là, thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và đại dương, bảo đảm phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

Biến các cam kết thành hành động chống ‘ô nhiễm trắng’ - Ảnh 4.

Các đại biểu tham gia nhặt rác làm sạch bãi biển - Ảnh: VGP/TH

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là mạng lưới giao thông, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch; phát triển đồng bộ, hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng; tăng cường liên kết vùng ven biển với vùng nội địa.

Ba là, ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Bốn là, tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

Ngày Đại dương thế giới năm 2023 được LHQ lựa chọn với chủ đề "Hành tinh đại dương: Thủy triều đang biến đổi" với các nội dung chính như: Đại dương là hệ sinh thái lớn nhất của Trái đất; mối liên hệ giữa đại dương và khí hậu; quản lý ven biển và ý nghĩa văn hóa đại dương; hợp tác quốc tế và thay đổi hệ thống biển và đại dương; hành động tập thể vì đại dương.

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy. 

Triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Năm là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Phát huy truyền thống lịch sử dân tộc hào hùng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Sáu là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân; xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển; phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, xây dựng văn hoá biển.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng với tinh thần cầu thị trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế và sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực trong nội bộ, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi nhất định trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của biển, thực hiện phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho Việt Nam ta tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai "sống hài hòa với thiên nhiên" vào năm 2050.

Tại lễ phát động, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng nhấn mạnh một đại dương khỏe mạnh, môi trường trong sạch sẽ là nguồn lực để phục hồi kinh tế xanh.

Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ban hành nhiều chính sách nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương. 

Trước đó vài ngày, Việt Nam đã cùng với 180 nước tham gia thảo luận về một hiệp ước toàn cầu có ý nghĩa lịch sử về ô nhiễm nhựa. 

Sử dụng biển và đại dương bền vững sẽ là chìa khóa phát triển tương lai bền vững của Việt Nam. GDP các ngành kinh tế biển của Việt Nam có thể tăng hơn 1/3 vào năm 2030.

"Việt Nam cần sớm ban hành Quy hoạch Không gian biển, đây là điều kiện cần thiết để khai thác tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn của Việt Nam, khi được hiện thực hóa có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng trong Quy hoạch điện 8 và đạt được giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26. 

Việt Nam cũng cần tăng cường khả năng chống chịu các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương; tất cả các bên liên quan cần cam kết và thực sự hành động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường", bà Ramla Khalidi khuyến nghị.

Tại sự kiện này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã tặng các suất quà cho người nghèo tại Nghệ An; Báo Người lao động đã tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân biển của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Ban tổ chức Chương trình cũng trao tặng túi thuốc và Cờ Tổ quốc cho ngư dân biển tỉnh Nghệ An.

Ngoài lễ phát động quốc gia, trong 2 ngày 3 và 4/6 đã diễn ra các sự kiện hưởng ứng nhiều ý nghĩa như: Công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ; Hội thảo giới thiệu, lấy ý kiến một số nội dung lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các hoạt động cộng đồng như ra quân làm sạch bãi biển và trồng cây xanh ven biển tại khu vực làng chài Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò.

Đây là các hoạt động khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển, kỳ vọng nền kinh tế biển xanh; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Mục tiêu Quy hoạch Không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến việc tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả, góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh từ biển.

Thu Cúc

85 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 764
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 764
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78054059