Có về Quảng Trị mới thấy hết giá trị của 2 chữ Hòa Bình”, đó là dòng trạng thái đầy cảm xúc trên mạng xã hội của thầy Nguyễn Hữu Ngữ, Giảng viên trường đại học Nông lâm – đại học Huế sau chuyến thăm các nghĩa trang liệt sỹ ở miền đất lửa này.
Những khu nghĩa trang với hàng nghìn, hàng vạn ngôi mộ lột tả sự mất mát, đau thương vì chiến tranh ở nơi đây đã ám ảnh thầy Ngữ khi trở về Huế.
Không có nơi nào nhiều người mất và nhiều nghĩa trang liệt sỹ như ở Quảng Trị...
“Để được 2 chữ hòa bình của hiện tại không thể kể hết bao xương máu của nhân dân đã đổ xuống trong những năm chiến tranh và cả trong công cuộc khôi phục, kiến thiết đất nước ở vùng đất đầy nắng gió này”, thầy Ngữ tâm sự.
Có thể nói, không có nơi đâu như Quảng Trị, 3 con sông lớn: Thạch Hãn, sông Hiếu, sông Hiền Lương đến kỳ lễ hội, đêm rằm, dòng người khắp nơi luôn tìm về thắp nén hương thơm, thả hoa đăng thành kính nguyện cầu anh linh các anh hùng liệt sỹ yên giấc ngàn thu.
Và không có nơi nào trên dải đất hình chữ S này mà số người chết và nghĩa trang liệt sỹ lại nhiều như ở Quảng Trị. 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 2 nghĩa trang Quốc gia với 53.955 phần mộ là minh chứng cho sự khốc liệt của chiến tranh. Chính vì vậy, đến với Quảng Trị hôm nay, mỗi người sẽ hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.
Trong một cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị tâm sự, tổ chức Festival “Vì Hòa bình”, hướng đến xây dựng một thành phố hòa bình, đã là ý tưởng ấp ủ và trăn trở từ lâu của lãnh đạo và nhân dân Quảng Trị.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.
Vị Bí thư Tỉnh ủy tâm huyết này chia sẻ, Việt Nam là một trong những đất nước bị chiến tranh lâu dài, nặng nề nhất với nhiều mất mát, đau thương nên luôn khát vọng cháy bỏng vì hòa bình. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy, Quảng Trị chính là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam về sự khốc liệt của chiến tranh, về sự chia cắt và về ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất. Những tên đất, tên làng như Hiền Lương, Bến Hải, Cửa Việt, Thành Cổ… đã đi vào lịch sử dân tộc, mãi mãi là những bản anh hùng ca bất tử làm lay động lương tri của cả nhân loại.
“Hai chữ “Quảng Trị” không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng. Khát vọng hòa bình của thế hệ hôm nay và mai sau chính là tâm nguyện của hàng chục vạn anh linh liệt sỹ, các nạn nhân chiến tranh đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Xuất phát từ đó, tỉnh Quảng Trị đang từng bước hoàn thiện đề án tổ chức Festival “Vì Hòa bình” nhằm tôn vinh các giá trị hòa bình, truyền tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới”, ông Hùng nói.
Chia sẻ về thời gian tổ chức Festival “Vì Hòa bình”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho hay, “Festival “Vì Hòa bình” tổ chức trên mảnh đất này trong những ngày tri ân tháng 7 là thỏa đáng nhất.
Ông Hùng lý giải, tháng 7 hằng năm được chọn là tháng tri ân, nhiều hoạt động, sự kiện lớn về đề tài này cũng đã được tỉnh Quảng Trị tổ chức như: Huyền thoại Trường Sơn, Dòng sông hoa lửa, Sức mạnh Việt Nam, Nhịp cầu xuyên Á, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp Đường 9 xanh, Đua thuyền toàn quốc, trại sáng tác điêu khắc… thu hút hàng triệu lượt du khách và đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham dự, thăm viếng tri ân; hoài niệm về chiến trường xưa một “vùng đất thiêng” Quảng Trị.
Hiện, UBND tỉnh Quảng Trị đã lên đề án tổ chức Festival “Vì Hòa bình”. Thời gian tới, tỉnh này sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý có kinh nghiệm tổ chức Festival, các nhà nghiên cứu, văn hóa… để hoàn thiện và đi vào thực hiện.
“Mọi bước đang được các sở ban ngành nghiêm túc, thực hiện một cách chuyên nghiệp nhằm hoàn thiện tốt nhất đề án. Quảng Trị không rộng về không gian địa lý nhưng mảnh đất này sâu nặng nghĩa tình và luôn rộng vòng tay chào đón đồng bào khắp mọi miền đất nước, cũng như bè bạn quốc tế về với một kỳ lễ hội “vì Hòa bình” ý nghĩa, nhân văn”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị hy vọng.
Lê Kông