Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 - Ảnh: VGP/HM
Tại Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27/3.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hơn 20 năm qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới như: dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A/H5N1, đại dịch cúm A/H1N1, MERS-CoV, Ebola.
Gần đây nhất là đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Việt Nam là điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật.
Việt Nam là điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: cúm A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng….
Trong đó, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại được xác định thuộc nhóm 5 bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người cần ưu tiên.
Thực tế, những năm gần đây, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, trong đó bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HM
Năm 2023, bệnh dại ở nước ta ghi nhận tại 30/63 tỉnh thành, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8. Trong đó, khu vực miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (37,8%). Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh dại chiếm 34%.
Năm 2024, tính tới thời điểm hiện tại, bệnh dại trên người ghi nhận tại 16/63 tỉnh. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (9 ca).
Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, mỗi năm nước ta ghi nhận trung bình 70 người tử vong vì bệnh dại, mặc dù đã có vaccine cho cả người và động vật. Đây là bệnh có số ca tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm.
Đối với bệnh cúm gia cầm, trong đó cúm A(H5N1), nước ta ghi nhận ca bệnh đầu tiên năm 2003. Cao điểm nhất từ năm 2004-2009 ghi nhận 112 ca bệnh, trong đó có 57 ca tử vong.
Tháng 10/2022, nước ta ghi nhận trường hợp cúm A(H5) trên người mới nhất kể từ tháng 2/2014. Tháng 3 năm nay, ghi nhận ca tử vong do cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa.
Tích lũy đến nay, Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong (gần 50%).
Đối với cúm A(H7N9), nước ta chưa ghi nhận ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam trên cả gia cầm và người. Cúm A(H5N6), A(H5N8) và A(H9N2) chưa ghi nhận lây sang người, dù có ghi nhận ổ dịch trên gia cầm.
Các địa phương chưa chủ động phòng, chống dịch
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua nhiều lần đi kiểm tra tại các địa phương, ông nhận thấy bất cập rằng, Trung ương và các tỉnh đã ban hành rất nhiều hướng dẫn thực hiện, giám sát bệnh lây truyền từ động vật sang người, nhưng công tác thực hiện tại các địa phương rất hạn chế, không chủ động.
Ngay việc mua vaccine phòng chống bệnh cho động vật, các địa phương cũng thực hiện rất chậm, trì trệ, không theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, thông tin tuyên truyền tại địa phương cũng hạn chế, thậm chí có người dân hoàn toàn không biết các phòng chống bệnh thế nào, quản lý nuôi chó mèo ra sao, không hiểu xảy ra chuyện gì khi chó, mèo cắn.
Nhiều năm qua, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những đợt xét nghiệm miễn phí nghi mắc bệnh dại, nhưng không địa phương nào chủ động tham gia.
"Đây là việc các địa phương phải làm. Chúng ta rất cần nghiêm túc triển khai, nghiêm khắc quy trách nhiệm, xử lý trường hợp không thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn. Chúng tôi khẳng định, đã làm tất cả những gì có thể để giúp địa phương, nhưng địa phương cũng cần chủ động", ông Long nhấn mạnh.
Về phía Bộ Y tế, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng, đối với các bệnh cúm như cúm A H5N1, Bộ Y tế đã có hướng dẫn từ năm 2018 về phòng chống và điều trị bệnh, trong đó luôn tập trung vào vấn đề sử dụng thuốc kháng virus để chấm dứt bệnh.
Cuối tháng 12/2023, Bộ Y tế cũng đã có quyết định cấp thuốc cho 26 tỉnh, thành phố (tương đương hơn 20.000 viên) để nhận thuốc, điều trị cho người dân.
Liên quan đến xử trí cấp cứu đối với các ca bệnh suy hô hấp cấp do bệnh cúm, Bộ Y tế cũng đã có nhiều hướng dẫn cùng các quyết định về xử trí, chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong nội dung tại các hướng dẫn ban hành, Bộ Y tế luôn tập trung vào việc phân tuyến điều trị ngay từ tuyến xã, tăng cường giám sát, phát hiện và điều trị bệnh sớm, sau đó tùy theo mức độ nặng, nhẹ sẽ chuyển tuyến cho bệnh nhân.
Như vậy, đối với các bệnh liên quan đến cúm, về thuốc, hướng dẫn thực hiện phòng chống, điều trị bệnh, chúng ta cũng đều đã có đủ các thông tin, hướng dẫn cần thiết, ông Dương khẳng định.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra.
Vì vậy, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời huy động nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây từ động vật sang người, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn.
"Có rất nhiều dịch bệnh khó hơn mà chúng ta vẫn vượt qua được, vì vậy, nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất định chúng ta sẽ chấm dứt được các căn bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người", ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
HM