Lễ bế mạc Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện Châu Á- Thái Bình Dương
Trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn bế mạc, Hội nghị đã nghe đại diện các khu vực phát biểu, bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Quốc hội và toàn thể nhân dân Việt Nam vì sự đón tiếp chu đáo, trọng thị; khẳng định những kết quả của Hội nghị APPF-26 đã đánh dấu thành công mới của APPF; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Diễn đàn nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương trong tiến trình thúc đẩy quan hệ đối tác ngoại giao nghị viện…
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau ba ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, APPF-26 đã hoàn thành 4 phiên họp toàn thể, họp Ban Chấp hành, các phiên họp Uỷ ban soạn thảo và các nhóm công tác. Hội nghị đã thông qua 17 văn kiện, trong đó có 14 nghị quyết về những vấn đề quan trọng, Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương”, Thông cáo chung APPF-26 và sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với những kết quả đã đạt được của những Hội nghị trước đây, APPF-26 là bước tiến tiếp theo quan trọng trong quá trình thực hiện tôn chỉ, mục đích của Diễn đàn đã được đề ra trong Tuyên bố Van-cu-vơ và Tuyên bố New Tokyo. Các Nghị quyết đã được thông qua và các cuộc trao đổi đã nêu bật vai trò quan trọng của các Nghị viện vào tiến trình thực hiện những cam kết quốc tế để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Hội nghị cũng đã nhận thức rõ tình hình chính trị, an ninh trên thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn khó lường. Các quốc gia khu vực đang phải đối mặt với những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, thách thức chất lượng phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, yêu cầu APPF phải cải cách để thích ứng với tình hình mới và xây dựng một tầm nhìn mang tính chiến lược. Hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững của khu vực và thế giới.
Về kinh tế thương mại, APPF là một cơ chế hợp tác mở, ủng hộ và bổ trợ cho APEC, một thực thể không thể tách rời khỏi APEC. Nhiệm vụ của APPF là tiếp tục thúc đẩy mở rộng tự do hóa thương mại, đổi mới hình thức liên kết kinh tế thương mại phù hợp với tình hình mới. Hội nghị đã đánh giá cao kết quả Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng (11/2017); đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy một Châu Á-Thái Bình Dương kết nối và liên kết toàn diện, một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm, vì lợi ích của mọi người dân, không ai bị bỏ lại phía sau.
Về hợp tác phát triển khu vực, các đại biểu bày tỏ những quan tâm lo ngại ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi phải hành động thiết thực, cùng những sáng kiến mới về các vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, gia tăng các dịch bệnh, thách thức đối với chất lượng phát triển bền vững của mọi quốc gia; đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết phải “biến lời nói thành hành động”, kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển đối với các nước đang phát triển trong việc chung tay thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh đối thoại và hành động chung nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh lương thực, an ninh năng lượng, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, gia tăng nỗ lực phòng ngừa và chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan; tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo…
Khẳng định việc thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương” là một thành công của Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển. Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, kiên trì thực hiện mục tiêu chung góp phần thúc đẩy hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu vực như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) v.v. Tuyên bố cũng đã đưa ra một bức tranh phát triển hiện nay của khu vực và quốc tế, có những thay đổi căn bản, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, với những tác động hết sức sâu rộng.
Kết thúc Lễ bế mạc, một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực, cùng APPF và Nghị viện các nước hiện thực hóa tầm nhìn APPF-26 đã đề ra; đồng thời, đưa các khuyến nghị, nghị quyết của APPF-26 trở thành hành động cụ thể ở mỗi quốc gia.
Trước đó, Phiên họp toàn thể lần thứ 4 về các vấn đề APPF đã diễn ra dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân. Tham dự Phiên họp có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nghị viện các nước, Trưởng đoàn đại biểu nghị viện các nước cùng toàn thể các nghị sĩ tham dự Hội nghị APPF-26. Tại phiên họp này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vai trò của APPF trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; Hội nghị APPF-27; Thông qua các Nghị quyết và Tuyên bố chung.
Hội nghị đã nhất trí Quốc hội Campuchia sẽ giữ chức Chủ tịch APPF và đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-27 vào tháng 1/2019 tại Siemriep. Quốc hội Việt Nam sẽ bàn giao chức Chủ tịch APPF và quyền đăng cai tổ chức hội nghị APPF-27 vào tháng 5/2018. Tại phiên thứ 4 này, các nước đã nhất trí thông qua 14 Nghị quyết, Tuyên bố APPF Hà Nội và Trưởng đoàn các nước đã ký Thông cáo chung./.
Mạnh Hùng