Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/LS
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau 02 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, đổi mới, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thành công tốt đẹp. Theo đó, hội nghị lần này đã dành tối đa thời gian để nghe đại biểu phát biểu, không trình bày báo cáo ban đầu và cũng không giải trình, tiếp thu cuối phiên thảo luận.
Trên cơ sở những nội dung, yêu cầu quan trọng trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị đã thảo luận 8 dự án Luật, gồm: dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cảm ơn sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan đã đến dự phiên khai mạc và dự một số phiên thảo luận qua đó góp phần vào thành công của hội nghị.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tiếp tục lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn chỉnh dự thảo các luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, trong buổi chiều làm việc, trong không khí thảo luận sôi nổi, tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi luật.
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/LS
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời cũng góp ý nhiều nội dung cụ thể để hoàn thiện dự án Luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật như phạm vi sửa đổi luật, quy định về tài sản đấu giá, đấu giá quyền cho thuê tài sản công; đấu giá biển số xe trong quan hệ với dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; về giá khởi điểm; quyền chấm dứt đăng ký về giá; tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước; xem xét tài sản đấu giá; địa điểm đấu giá; thời gian đăng ký nộp tiền đấu giá; tiêu chuẩn đào tạo, chứng chỉ nghề nghiệp của đấu giá viên; hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá; quy định về đấu giá trực tuyến; hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp.
Đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung thảo luận về các biện pháp răn đe, xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; việc quản lý chi phí Quỹ bảo hiểm; về quy định mức lương hưu thấp nhất; về thanh tra, kiểm tra và thời gian thông qua Luật…Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, kết luận nội dung thảo luận Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; nhấn mạnh yêu cầu: Vấn đề gì phải tiếp thu thì phải tiếp thu đầy đủ; vấn đề gì không tiếp thu thì phải giải trình thấu đáo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết: Chủ tịch Quốc hội sẽ trực tiếp nghe lại, tiếp thu, giải trình các vấn đề lớn của dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
LS