Chiến sĩ Khu Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh bảo vệ bờ biển Cửa Tùng. Ảnh: Tư liệu
Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, nước ta bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc, với giới tuyến quân sự tạm thời là dòng sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị (vĩ tuyến 17). Để đối phó với âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL thành lập Công an Biên phòng thuộc Bộ Công an, bố trí các đồn Biên phòng dọc biên giới trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới.
Ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg “Về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang” (nay là BĐBP). Ngày 26-4-1959, Bộ Công an ra Nghị định thành lập Khu Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh triển khai bảo vệ giới tuyến.
Những ngày đơn vị mới thành lập, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Khu Công an vũ trang Vĩnh Linh đã đoàn kết một lòng tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt để bảo vệ Hiệp định Geneve, bảo vệ quy chế khu phi quân sự, bảo vệ tuyến đầu miền Bắc để hậu thuẫn cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, giữ vững hòa bình, duy trì mối quan hệ giao tiếp giữa hai miền Nam - Bắc. Trên tuyến bờ biển Vĩnh Linh, các đồn Công an vũ trang đã tổ chức xây dựng các phương án chống địch xâm nhập, bảo vệ bờ biển, tổ chức kiểm soát cửa sông, cửa lạch; đưa công tác quản lý phương tiện đi vào nế nếp, xây dựng được mạng lưới bí mật, bố trí khép kín trên trên biển.
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP Quảng Trị có 8 tập thể và 11 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị cũng được tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cùng với công tác bảo vệ an ninh tuyến biển, Công an vũ trang Vĩnh Linh đã tổ chức được đội thuyền B6, hình thành đường dây trên biển để tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực, tài liệu cho lực lượng ta ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, đưa đón cán bộ ra vào hoạt động, với hàng trăm chuyến thuyền đảm bảo bí mật, an toàn. Các đơn vị Công an vũ trang Vĩnh Linh cũng làm tốt nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, đảm bảo cho hàng trăm đoàn khách Trung ương và quốc tế đến công tác, quản lý chặt chẽ địa bàn, không để xảy ra sự cố nào.
Trong những năm tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch, Công an vũ trang Vĩnh Linh đã phối hợp với các lực lượng vũ trang, dân quân du kích bắn cháy 70 máy bay Mỹ và hàng chục tàu chiến của Mỹ-ngụy; bắt 2 vụ gián điệp từ Lào sang Việt Nam, 24 tên gián điệp từ miền Nam ra phá hoại miền Bắc, bắt 6 vụ vượt tuyến, 7 vụ vượt biển vào Nam; đánh 16 vụ gián điệp, biệt kích diệt 36 tên (có 8 tên Mỹ), bắt 10 tên thám báo, phá 2 tổ chức nhen nhóm phản động ở nội địa.
Trong chiến dịch giải phóng Đông Hà, Quảng Trị đã có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Công an vũ trang Vĩnh Linh tham gia chiến đấu, anh dũng hy sinh góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.
Công an vũ trang Vĩnh Linh đã vượt qua muôn vàn gian lao thử thách, ngoan cường dũng cảm trong chiến đấu, mềm dẻo linh hoạt trong thực hiện các nguyên tắc, phương châm đối sách, mưu trí, bền bỉ trong đấu tranh chính trị với kẻ thù và các loại đối tượng, bám trụ kiên cường trên mảnh đất “Vĩnh Linh lũy thép”, gắn bó máu thịt với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương; xây dựng phòng tuyến nhân dân vững chắc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giới tuyến, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn; xây dựng mối tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào trọn vẹn thủy chung.
Sau năm 1975, lực lượng Công an vũ trang trên toàn quốc có nhiều biến động về tổ chức, Khu Công an vũ trang Vĩnh Linh cũng có những thay đổi. Đến ngày 30-6-1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, BĐBP Quảng Trị được tách ra từ BĐBP tỉnh Bình Trị Thiên, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Thời gian này, các đơn vị của BĐBP Quảng Trị tập trung xây dựng lực lượng, bảo vệ biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ thành quả của cách mạng.
Phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị luôn đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, có nhiều mặt công tác giành được những kết quả nổi bật. Trên mặt trận phòng chống tội phạm, BĐBP Quảng Trị đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và Lào đấu tranh thành công hàng trăm chuyên án lớn, bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ số lượng lớn ma túy thẩm lậu vào nước ta.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với các ban, ngành, tổ chức xã hội trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh. Nhiều năm qua, hình ảnh “Thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Thầy thuốc mang quân hàm xanh” đã trở thành biểu tượng đẹp trong lòng nhân dân, tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đơn vị cũng đã lựa chọn, cử 19 đồng chí cán bộ tăng cường cho các xã biên giới giữ chức Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã để củng cố cơ sở chính trị tại địa phương.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Mạnh Hùng
Hiện tại, BĐBP tỉnh đang thực hiện tốt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn trật tự thôn, bản", gắn với việc giao đất, giao rừng đến hộ dân, để nêu cao trách nhiệm của dân trong bảo vệ đường biên, cột mốc. Đến nay, đã có 58/169 thôn, bản nhận tự quản đường biên, cột mốc; 111/169 thôn tự quản an ninh trật tự. Phong trào “Kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới” đến nay đã tổ chức kết nghĩa được 14/23 cặp bản hai bên biên giới.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu trong phong trào thi đua Quyết thắng. Có những cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã hy sinh thân mình trong đấu tranh phòng chống tội phạm, cứu hộ cứu nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Lam Giang - Xuân Thế