Trong những năm qua, các địa phương thuộc vùng gò đồi huyện Triệu Phong đã khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi để phát triển kinh tế, đạt được một số kết quả khá rõ nét. Chú trọng phát triển rừng sản xuất, nhất là rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, VFCS. Từng bước đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh, theo hướng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đã đưa vào trồng một số loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng thâm canh, trang trại, gia trại… bước đầu mang lại hiệu quả. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực; an ninh lương thực được đảm bảo. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển ổn định. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi vẫn còn những hạn chế, khó khăn, đó là: Tiềm năng, thế mạnh của vùng chưa được khai thác tương xứng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất chậm đổi mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ chưa nhiều, liên kết sản xuất chưa mạnh, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Diện tích rừng gỗ lớn, rừng theo chứng chỉ FSC còn thấp so với quỹ đất lâm nghiệp; phát triển, mở rộng cây cao su còn gặp khó khăn. Công tác quản lý đất đai còn bất cập; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn xảy ra. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ở vùng xa còn khó khăn. Công tác xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch còn khó khăn, lúng túng. Chất lượng đơn vị văn hóa, giáo dục, y tế có mặt chưa cao. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa được đẩy mạnh; tỷ lệ hộ nghèo có địa phương còn cao hơn bình quân chung của huyện .
Trước thực trạng đó, BCH Đảng bộ huyện Triệu Phong ban hành Nghị quyết “Về phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” với các định hướng phát triển: Xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ; các mô hình cây con chủ lực, có lợi thế so sánh, liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa, giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu; phát triển mạnh vùng cây nguyên liệu (rừng FSC, VFCS), cây dược liệu, cây ăn quả,... Phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại có quy mô hợp lý, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong chăn nuôi. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình gắn với chỉnh trang nông thôn mới. Đổi mới và nâng cao năng lực của Hợp tác xã. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nguyên liệu từ nông nghiệp, gỗ rừng trồng; quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi các dự án đầu tư tại Cụm Công nghiệp Tây Triệu Phong. Quy hoạch, phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ dọc quốc lộ 1A, đường Hùng Vương kết nối hành lang kinh tế Đông Tây với Khu kinh tế Đông Nam, ĐT579, các trục đường chính của các xã. Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa. Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối liên xã, liên vùng; đường lâm sinh, hạ tầng thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt. Quy hoạch hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới, các phân khu chức năng dọc 2 bên đường Hùng Vương đoạn qua địa bàn xã, sông Vĩnh Phước.
Để thực hiện các định hướng, mục tiêu, BCH Đảng bộ huyện Triệu Phong đã đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi, đó là:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; công tác tuyên truyền, vận động của mặt trận, các đoàn thể, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành cấp huyện; kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nhất là giải quyết dứt điểm các vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án,... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị của huyện và cấp ủy, chính quyền và Nhân dân 02 xã vùng gò đồi trong thực hiện Nghị quyết và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tiến hành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi gắn với quy hoạch nông thôn mới của các xã và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo từng giai đoạn và định hướng đã đề ra. Quản lý và thực hiện tốt quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, quy hoạch 3 loại rừng; lập quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, vùng nguyên liệu,... gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và sử dụng bền vững, ổn định tài nguyên đất. Sớm hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch để tranh thủ các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư vào Cụm Công nghiệp Tây Triệu Phong. Chỉ đạo phối hợp lập quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị mới, các phân khu chức năng (thương mại, dịch vụ,...) dọc tuyến đường Hùng Vương nối dài, sông Vĩnh Phước, khu vực giáp thành phố Đông Hà, thị trấn Ái Tử của xã Triệu Ái, tạo thành không gian phát triển mới; phát triển thương mại, dịch vụ dọc quốc lộ 1A, đường ĐT579, ĐH48, DDH49, các trục đường chính của các xã.
Tạo môi trường thuận lợi, huy động tốt các nguồn lực xã hội đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp và
xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo sự chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng theo hướng tích cực. Khai thác tốt tiềm năng lợi thế về đất đai và vùng ven đô để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Phát huy thế mạnh về rừng, hiện đại hóa nghề rừng từ trồng, chăm sóc, khai thác đến chế biến, xuất khẩu; tăng cường chỉ đạo phát triển, mở rộng diện tích theo chứng chỉ FSC, VFCS,... gắn với xây dựng các đường ranh, đường lô, phòng chống cháy rừng để nâng cao giá trị kinh tế rừng. Quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; tập trung xây dựng các hợp tác xã phi nông nghiệp, hợp tác xã kiểu mới. Đa dạng hóa các nguồn để tăng thu ngân sách, chú trọng tạo quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư kết cấu hạ tầng các xã. Tích cực tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư kết cấu hạ tầng vùng gò đồi đi đôi với làm tốt hơn nữa công tác giải phòng mặt bằng, nhất là các công trình dự án động lực, kết nối phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội gắn với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong nông thôn và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi. Tiếp tục triển khai thực hiện, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn của huyện; kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức và đóng góp của doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng gò đồi phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường mối liên kết giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người nông dân. Khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở; tăng cường mở lớp tập huấn, đào tạo nghề nông thôn. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo cho các thành viên Ban quản trị HTX trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế ở địa phương. Thủy Phương