|
Nhóm nghiên cứu của ĐH Giáo dục công bố những kết quả nghiên cứu về hình thức mới của bạo lực học đường. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Những dòng trạng thái công kích, xúc phạm quấy rối, đeo bám, loại bỏ, cô lập, trêu ghẹo… đều được xem là một hình thức bắt nạt trực tuyến. Hình thức bắt nạt này đang ngày càng phổ biến và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu mới nhất của nhóm chuyên gia ĐH Giáo dục, có tới gần 31% tổng số học sinh THCS và THPT ở Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi từ 2 lần trở lên; 26,7% học sinh từng có hành vi bắt nạt người khác trực tuyến từ 2 lần trở lên.
Nguyên nhân của các hành vi bắt nạt trực tuyến thường do hùa theo bạn bè, trả thù lại do có mâu thuẫn từ trước, muốn được mọi người chú ý... Nhóm nghiên cứu cho hay, việc bắt nạt dù là trên thế giới ảo nhưng lại có ảnh hưởng thực đến tâm lý của học sinh.
Hiện nay, hầu như mỗi lớp ở các trường THCS, THPT đều lập một nhóm riêng trên mạng xã hội. Bên cạnh những hiệu quả tích cực như thông tin cho nhau những hoạt động của lớp, chia sẻ việc học, các nhóm trên mạng cũng trở thành chỗ để học sinh đàm tiếu, bàn luận hoặc xúc phạm nhau.
Nếu trước đây hình thức bạo hành học đường là các em tập hợp thành nhóm tẩy chay một đối tượng nào đó, thì bây giờ các em lại “khủng bố” đối tượng các em không thích bằng việc gọi điện, nhắn tin, thậm chí công khai thóa mạ trên mạng xã hội.
Học sinh càng bị bắt nạt nhiều thì càng cảm thấy stress, lo âu và thậm chí là có triệu chứng của trầm cảm.
Từ kết quả nghiên cứu về tỉ lệ học sinh bắt nạt và bị bắt nạt trên mạng của ĐH Giáo dục, có thể thấy hiện tượng bắt nạt trực tuyến là thực trạng đáng báo động và cần được quan tâm.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, các học sinh cần tự ý thức về các hành vi của mình để không vô tình hoặc cố ý trở thành thủ phạm của bắt nạt trực tuyến. Học sinh cần sử dụng internet với mục đích lành mạnh và thời gian hợp lý, biết cách tự bảo vệ mình khi tham gia vào cộng đồng mạng.
Nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em không mất nhiều thời gian trên mạng, chú trọng hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp các em vượt qua áp lực trong cuộc sống.
Nhật Nam