|
Người dân uống nước ngọt lành từ giếng Đô.
|
Truyền thuyết kể, một hôm ông Thồ Lồ đang gánh đất thì bị gãy đòn gánh, hai đầu đất rơi xuống, tạo nên đảo Cồn Cỏ và đồi Lò Reng (xã Vĩnh Thủy) ngày nay. Cũng vì giận dữ, người khổng lồ dậm mạnh chân xuống đất, dấu chân thần hóa thành giếng nước gọi là giếng Đô. Ông cũng đấm tay vào hòn đá để lại dấu tích 5 ngón nằm ở cồn Giàng (hiện ở thôn Tiên Mỹ 2). Trong khi dấu tích hòn đá không còn nguyên vẹn thì giếng Đô vẫn tồn tại, qua thăng trầm, chiến tranh khốc liệt, thành kỷ niệm thiêng liêng theo bước đời mỗi người dân Tiên Mỹ. Và 18-8 vừa qua, công trình giếng Đô đã được thôn Tiên Mỹ 2 khánh thành sau thời gian khôi phục, tôn tạo và mở ra những hứa hẹn tươi đẹp trong lòng dân về di tích mang giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh.
Năm 2012, làng Tiên Mỹ chia tách thành 3 thôn và giếng Đô hiện thuộc địa bàn thôn Tiên Mỹ 2. Miệng giếng rộng lớn khiến người ta dễ liên tưởng ngay đến cú dậm chân của vị thần khổng lồ gánh đất xây nên đồi rú vùng đất này. Đáy giếng có một hố sâu nằm giữa 3 tầng đá, hướng lên dãy Trường Sơn. Bốn mạch nước lớn và mạnh, khi mùa mưa nguồn, lá cọ xuất hiện trong giếng càng có cơ sở khẳng định giếng có nguồn từ rừng xa núi cao đổ về. Điều đặc biệt nữa là nước giếng Đô 4 mùa trong xanh như ngọc, ngọt mát khác hẳn nhiều giếng khơi khác. Và mặc cho hạn nặng bao nhiêu, giếng Đô chưa bao giờ cạn nước, được xem như "báu vật" của làng. Người dân nhiều nơi khi nhắc đến "báu vật" này còn liên tưởng các cô gái làng Tiên Mỹ nổi tiếng xinh đẹp, da trắng mịn màng vì cho rằng một phần nhờ uống nước giếng thần ấy.
Chúng tôi đến Tiên Mỹ 2 khi không khí mừng vui về sự kiện khánh thành công trình vẫn chưa "hạ nhiệt". Giếng Đô nằm ở đầu thôn, trên cánh đồng lúa mênh mông. Phóng tầm mắt về trước, dãy núi Trường Sơn xa xa như ôm gọn lấy khung cảnh tươi đẹp. Tiên Mỹ 2 là địa bàn được đánh giá đảm bảo ANTT, có Phong trào BVANTQ với nhiều mô hình hiệu quả như quản lý tài sản ngoài trời, phòng chống tội phạm... Cảnh bình yên, nhà nhà đều phấn khởi, những câu chuyện cứ thế dài thêm ra, từ thần thoại, lịch sử đến hiện tại. Hơn 100 năm trước, cả Tiên Mỹ nằm trong Tổng Thủy Ba, là bao gồm cả xã Vĩnh Thủy có làng bắt cọp nổi tiếng. Cả vùng rộng lớn này đều hội tụ về dùng chung giếng nước Đô ngọt lành.
Ngày ngày, người dân đến gánh nước đông đúc, vui nhộn như trẩy hội. Giai đoạn Pháp đô hộ, lập đồn Mỹ Tá, bắt dân phu gánh nước giếng Đô phục vụ cho binh lính, sỹ quan ăn uống, sinh hoạt, tắm giặt. Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Lâm cũng như nhiều địa bàn lân cận chịu bom đạn ác liệt. Và sự kiện ngày 19-8-1967 vẫn còn nguyên trong ký ức nhiều cao niên trong làng. Hôm đó, B52 dội xuống Tiên Mỹ, đánh trúng giếng Đô, nhiều người bị thương, giếng cũng hư hại nặng. Cũng trong ngày đó, khẩu đội 12 ly của xã Vĩnh Lâm đã bắn cháy 1 máy bay địch, chiến công vang dội khắp vùng. Sự kiện tự hào này đi vào trang vẻ vang của Vĩnh Lâm nhưng cũng nhắc nhớ về giếng Đô trong ngày đó, như bầu sữa khổng lồ, đùm bọc bà con làng xóm vượt qua chiến tranh khốc liệt, giành lại ấm no cho đời sau. Cũng qua thời gian, giếng Đô xuống cấp nghiêm trọng, người dân Tiên Mỹ 2 đau đáu muốn dựng xây khôi phục lại.
Chị Nguyễn Thị Xuân - Trưởng thôn Tiên Mỹ 2 cho hay, sau khi ý tưởng phục dựng lại công trình giếng Đô nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa làng quê được Đảng ủy, chính quyền xã Vĩnh Lâm đồng ý, bà con nhân dân thôn Tiên Mỹ 2 cùng với con em xa quê đã hướng về quê hương đóng góp xây dựng. Với kinh phí gần 350 triệu đồng, sau 3 tháng thi công, giếng Đô đã nổi bật lên trên cánh đồng làng, quy mô và vững chãi. Hoàn thành công trình, nhiều người cũng coi như khơi thông long mạch của làng, càng tin tưởng đời sống thêm phần ấm no, con em càng học hành tấn tới, giữ gìn xây dựng thôn xóm bình yên, trật tự. "Mỗi lần đến giếng Đô sẽ nhắc nhớ con em về cội nguồn, ý chí kiên cường và khát vọng hạnh phúc của người dân, cũng như cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng báu vật này", ông Nguyễn Văn Hoàng - cao niên xã Vĩnh Lâm tự hào chia sẻ. Nữ trưởng thôn cũng cho hay chính quyền thôn đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận giếng Đô là di tích lịch sử văn hóa. Tại sao không khi nơi đây lưu dấu đậm sâu lịch sử, văn hóa, tâm linh tự hào trong lòng dân đến thế. Và biết đâu, sắp tới đây tại giếng Đô sẽ hình thành lễ hội té nước cùng nhiều hoạt động văn hóa hội tụ gắn kết khác, khiến miền quê Vĩnh Lâm càng trở nên tươi đẹp, kéo chân du khách tìm về.
NHƯ HOA