Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 diễn ra từ 17-20/9 tại Hà Nội và An Giang do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) và nhóm Công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) đồng tổ chức.
Tuần lễ tập trung vào chủ đề “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế”. Cụ thể là đóng góp ý tưởng, giải pháp cho những định hướng phát triển năng lượng sắp tới đây như Quy hoạch điện VIII, hay các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường.
Tại Hà Nội sẽ diễn ra chuỗi các sự kiện, gồm chương trình tọa đàm “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam” cập nhật hiện trạng phát triển hệ thống điện Việt Nam, Việt Nam có thể học hỏi được gì từ các bài học kinh nghiệm chuyển dịch thành công của bạn bè quốc tế?
Tiếp đến là hội thảo chuyên đề: Huy động đồng lợi ích của các giải pháp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu từ năng lượng tái tạo, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ là cơ hội vàng để thu hút đầu tư, tài chính xanh cho năng lượng tái tạo trong ngành công nghiệp tại Việt Nam…
Tại An Giang, ngày 20/9 sẽ diễn ra hội thảo Chuyển dịch năng lượng bền vững: Cơ hội và thách thức cho ĐBSCL.
Ông Antoine Vander Elts (Bộ phận Hợp tác và phát triển Phái đoàn EU tại Việt Nam) cho biết, trong suốt 4 năm qua, EU đã hỗ trợ và làm việc với Chính phủ Việt Nam để tăng cường cải thiện những vấn đề liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Theo đó, đã có được rất nhiều tiến bộ trong vấn đề về đấu nối vào lưới điện.
EU cũng tập trung vào vấn đề sử dụng chiến lược về năng lượng tái tạo, cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả. Sự hỗ trợ và cũng là đường hướng chung của các quốc gia thành viên thông qua nhiều hình thức, kể cả về ngân sách…sẽ còn tiếp tục triển khai trong vòng 5 năm tới với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để nâng cao nhận thức của công chúng về lợi ích của năng lượng tái tạo, cũng như hiệu quả sử dụng năng lượng.
Minh Thi