|
Ảnh minh họa |
Như vậy, Viettel là nhà mạng đầu tiên có giấy phép thử nghiệm mạng 5G. Giấy phép này sẽ có giá trị trong vòng 1 năm, kể từ 22/1/2019 – 21/1/2020.
Theo đó, Viettel được thử nghiệm để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 5 - IMT 2020. Phạm vi thử nghiệm 5G của Viettel là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Quy mô thử nghiệm dịch vụ không vượt quá 73 vị trí.
Cùng giấy phép này, Viettel sẽ được sử dụng các đoạn băng tần 2575 - 2615 MHz, 3700 - 3800 MHz và 26500 - 27500 MHz để triển khai thử nghiệm theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện.
Trong quá trình thử nghiệm 5G, Viettel sẽ không được thu cước của đối tượng tham gia thử nghiệm và phải thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng tham gia thử nghiệm; phải bảo vệ an toàn mạng viễn thông của mình và bảo đảm an ninh thông tin, thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước huy động trong trường hợp khẩn cấp và các nhiệm vụ công ích khác…
Sau một năm thử nghiệm hoặc khi có yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Tập đoàn Viettel có trách nhiệm hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp phép thử nghiệm. Viettel cũng sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, đồng thời báo cáo thường xuyên và đột xuất kết quả thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ TT&TT.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, lãnh đạo Bộ cũng cho biết, Bộ đang thúc đẩy việc cấp phép tần số 4G và công tác thử nghiệm dịch vụ 5G, tiến tới thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020. Đồng thời, Bộ cũng sẽ nghiên cứu lộ trình để tìm ra thời điểm thích hợp tắt sóng dịch vụ 2G hoặc 3G.
Thúy Hà