Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 11/9, công ty vận hành đường ống dẫn dầu Mero của Séc cho biết tỷ lệ dầu mỏ từ Nga trong tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của nước này tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay bất chấp lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Người phát ngôn của công ty nhà nước Mero, bà Barbora Putzova, cho biết tỷ lệ nguồn cung dầu mỏ từ Nga qua tuyến đường ống Druzhba so với nguồn nhập khẩu từ các nước khác qua tuyến IKL là 65%/32% trong nửa đầu năm nay. Trong năm 2022, tỷ lệ này là 56% so với 44%.
Số liệu của Bộ Công Thương Séc cũng cho thấy tỷ lệ nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga qua đường ống Druzhba hiện đạt mức cao nhất kể từ năm 2016.
EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào tháng 5/2022 nhưng miễn trừ đối với dầu mỏ nhập khẩu qua tuyến đường ống Druzhba.
Người đứng đầu Hiệp hội các nhà cung cấp năng lượng độc lập của Séc Jiri Gavor cho biết Ccông ty PKN Orlen của Ba Lan, vốn đang vận hành các nhà máy lọc dầu của Cộng hòa Séc, tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Nga qua đường ống Druzhba vì nguồn cung này vẫn “hợp pháp và rẻ hơn so với dầu từ các nguồn khác.”
[Nga liên tục là nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Ấn Độ trong 18 tháng]
Tháng Năm vừa qua, công ty Mero của Séc thông báo đã ký thỏa thuận chấm dứt sự phụ thuộc của Séc vào dầu mỏ của Nga khi Prague cam kết tài trợ cho việc mở rộng đường ống dẫn dầu Transalpine (TAL) cung cấp dầu từ Italy đến Trung Âu.
Tuyến đường ống TAL vận chuyển dầu từ cảng Trieste của Italy đến miền Nam nước Đức, sau đó kết nối với tuyến đường ống IKL đưa dầu đến Cộng hòa Séc.
Công suất của TAL dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 8 triệu tấn dầu mỗi năm bắt đầu từ năm 2025.
Về khí đốt, kể từ đầu năm nay, Cộng hòa Séc đã chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu từ Nga./.
Ngọc Biên (TTXVN/Vietnam+)