|
Khu công nghiệp VSIP đang dẫn đầu về số lượng các dự án đầu tư vào Nghệ An |
Theo báo cáo kết quả xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế đối ngoại năm 2020, tính đến giữa tháng11, tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 72 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 7.700 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là hơn 15.110 tỷ đồng, trong đó đã cấp mới 10 dự án FDI với tổng mức đầu tư 164,7 triệu USD, chiếm 13,89% về số lượng dự án và 49,15% về tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh đã điều chỉnh 89 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 25 dự án (tăng hơn 7.400 tỷ đồng).
Không những thế, các khu công nghiệp trên địa bàn Nghệ An cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Dẫn đầu trong danh sách này là Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đã thu hút được 22 dự án (10 dự án FDI, 12 dự án trong nước) vốn đầu tư đăng ký hơn 6.440 tỷ đồng. Trong số đó, đã có 14 dự án đã đi vào hoạt động, 5 dự án đang triển khai xây dựng. Hiện đang có một số nhà đầu tư đang nghiên cứu và triển khai các thủ tục đăng ký đầu tư.
Tiếp đến là Khu công nghiệp WHA đã thu hút được 6 dự án, trong đó có 3 dự án FDI, 3 dự án trong nước, vốn đầu tư đăng ký gần 530 tỷ đồng. Theo báo cáo của WHA, hiện đã có một số nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ và thỏa thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký dự kiến khoảng 285 triệu USD, diện tích thuê đất dự kiến khoảng 49 ha.
Trong 11 tháng của năm nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 27 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư 277,3 triệu USD và 61 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 9.369 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đã đăng ký cho 1.671 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 17,18% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 19.999 tỷ đồng, tăng 28,36% so cùng kỳ; đăng ký hoạt động cho 233 chi nhánh, văn phòng đại diện.
Năm nay, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 64 dự án, tăng 28% so với cùng kỳ.
Các dự án tập trung vào các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, du lịch, nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, chế biến… Tổng số vốn đăng ký là gần 4.500 tỷ đồng và hơn 2 triệu USD.
Ngoài cấp quyết định chủ trương đầu tư, tỉnh Yên Bái cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về môi trường và tiềm năng đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, tiếp cận thông tin, nghiên cứu, khảo sát để làm cơ sở đề xuất đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị chủ đầu tư cần phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng các công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, tổ chức nghiệm thu và giải ngân. Riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xử lý các khó khăn vướng mắc, để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các công trình, đặc biệt là với các công trình trọng điểm.
Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án, tăng hơn 60% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 26 dự án này có 25 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 17.711 tỷ đồng và 1 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4 tỷ USD.
Tính đến nay, Bạc Liêu có 155 dự án, trong đó có 140 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 46.106 tỷ đồng và 15 dự án nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,491 tỷ USD.
Trong số này có nhiều dự án được đánh giá có tính chất động lực, thúc đẩy sự phát triển của Bạc Liêu để trở thành trung tâm kinh tế của tiểu vùng bán đảo Cà Mau, như dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Nổi bật trong số các dự án chính là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, với công suất 3.200MW, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD. Đây là dự án FDI lớn nhất ĐBSCL tính đến thời điểm này.
BT