Bảo vệ việc làm cho người tố cáo là lao động hợp đồng 

(ĐCSVN) – Khi có căn cứ cho rằng người được bảo vệ bị mất việc làm hoặc có nguy cơ bị mất việc làm ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử trong quan hệ lao động vì lý do tố cáo, cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo đề nghị của người tố cáo, người giải quyết tố cáo.

 

Đây là một trong những nội dung tại dự thảo thông tư hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến.

Ảnh minh họa: KV 


Cơ quan nào có thẩm quyền bảo vệ việc làm?

Theo dự thảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm của người được bảo vệ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thực hiện việc bảo vệ việc làm theo quy định tại Thông tư này.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  tham mưu việc bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp phép hoạt động hoặc được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước cấp tỉnh, ngành, Trung ương.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu việc bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp phép hoạt động hoặc được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước cấp huyện.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.

Tổ chức đại diện người lao động, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội và các cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.

Các biện pháp bảo vệ

Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm có trách nhiệm xem xét và xử lý.

Khi có căn cứ cho rằng người được bảo vệ bị mất việc làm hoặc có nguy cơ bị mất việc làm ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử trong quan hệ lao động vì lý do tố cáo, cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo đề nghị của người tố cáo, người giải quyết tố cáo.

Cụ thể, các biện pháp để bảo vệ gồm: Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ. Khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ. Xử lý kịp thời người có hành vi trả trù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ. Xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo cũng nêu rõ người sử dụng người lao động có trách nhiệm không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ. Không được trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.../.

 

 
Tú Giang
277 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1071
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1071
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87150177