Theo đánh giá của Bộ Công an, gần đây một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp, trong đó có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em (chiếm hơn 80% tội phạm xâm hại trẻ em và còn tiềm ẩn). Mặc dù lực lượng Công an và các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Vấn đề mà dư luận xã hội đang hoang mang, bức xúc chính là số lượng những vụ bạo lực học đường, hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, ngày càng gia tăng ở không ít địa phương.

Qua những vụ việc được phát hiện và báo chí phản ánh, có thể thấy về mức độ nghiêm trọng, nhẹ nhất là những trẻ bị sang chấn tinh thần, nặng hơn là những trẻ bị thương tật, bị sát hại...

Về địa điểm tội phạm diễn ra, đó có thể là ngoài đường, nơi vắng vẻ, nơi công cộng, công viên, thang máy, nhưng nhiều vụ xảy ra ngay trong gia đình và ngay trong trường học.

Về mối quan hệ giữa người xâm hại và nạn nhân cũng rất đa dạng, đó có thể là hai người xa lạ, bất ngờ gặp nhau rồi xảy ra việc xâm hại; nhưng chiếm đa số các vụ xâm hại trẻ em là kẻ thủ ác và nạn nhân có quan hệ quen biết, đó có thể là hàng xóm, là thầy với trò, chủ và người làm thuê, là thân nhân, họ hàng, thậm chí cha ruột, ông ruột với con cháu.

Thực trạng đó cho thấy một sự thật đau lòng là trẻ em hiện nay được bảo vệ chưa tốt, nhiều nguy cơ rình rập cuộc sống hồn nhiên của trẻ em. Theo Công ước về quyền trẻ em thì quyền trẻ em rất rộng lớn, có thể chia thành bốn nhóm: Quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia. Trong pháp luật Việt Nam, quyền được bảo vệ bao gồm các quyền trong lĩnh vực dân sự, hành chính, hình sự, lao động; bảo vệ khỏi bị xâm hại tình dục, tệ nạn ma tuý, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể nói về mặt văn bản pháp luật và các thiết chế bảo vệ trẻ em chúng ta đã có đủ, nhưng thực tế cho thấy tội phạm xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn hiệu quả, điều đó buộc mỗi gia đình, mỗi nhà trường, mỗi cơ quan, tổ chức và các cấp chính quyền phải đặt vấn đề này thành một mối quan tâm thường xuyên, liên tục với những phương thức, biện pháp phù hợp hơn.

Một trong những điều căn cốt nhất cần phải thay đổi, đó là nhận thức. Nhận thức đúng đắn thì mới có hành vi đúng đắn. Đó là nguy cơ có thể đe dọa sự an toàn của trẻ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, môi trường nào, quan hệ nào nên trẻ cần được quan tâm, bảo vệ mọi nơi, mọi lúc. Chỉ một vài phút lơ là, chủ quan là sự xâm hại đã có thể xảy ra.

Mặc dù qua báo chí, truyền thông, thực trạng xâm hại trẻ em đã được phản ánh đậm nét, nhưng nhiều phụ huynh, nhiều thầy cô giáo, nhiều thiết chế bảo vệ chăm sóc trẻ em vẫn chủ quan... Điều đáng nói hơn nhiều phụ huynh hoàn toàn không được trang bị kỹ năng chăm sóc, bảo vệ, giám sát con một cách phù hợp. Thực trạng đó phải thay đổi.

Một vấn đề khác là hướng dẫn trẻ kỹ năng tự bảo vệ. Kỹ năng này ở nhiều nước phát triển, trẻ em được hướng dẫn từ tuổi mẫu giáo, còn ở nước ta, do quan niệm có tính truyền thống nên ít nhắc đến những nguy cơ xâm hại nên trẻ bị hạn chế về kỹ năng tự bảo vệ.

Với thực tế phức tạp hiện nay, dư luận mong rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ trẻ em, bảo đảm rằng mọi hành vị xâm hại trẻ em đều phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, nhằm trả lại công bằng cho nạn nhân và tăng tính răn đe đối với tội phạm.

Bên cạnh những biện pháp truyền thống, nếu dành sự quan tâm đặc biệt đến ba nội dung trên, chúng ta có thể hy vọng tình trạng xâm hại trẻ em được ngăn chặn hiệu quả hơn./.

Thái Vũ