Phóng viên (PV): Có thể nói, xâm hại trẻ em không phải bây giờ mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng gần đây vấn đề này lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Vậy ông có thể lý giải nguyên nhân của thực tế này ?
Ông Đặng Hoa Nam: Theo tôi, lý do khiến tình trạng xâm hại trẻ em được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua vì nó đang ngày càng có những diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê của các cơ quan điều tra, mặc dù số vụ xâm hại trẻ em không tăng ở những vụ việc chính thức nhưng rất nhiều trong đó đã vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội. Đây chính là điều khiến dư luận không thể chấp nhận được. Một lý do nữa là các cơ quan báo chí đã kịp thời phát hiện và đưa ra công luận những vụ việc bấy lâu nay chúng ta còn chưa biết đến. Thậm chí, truyền thông còn gây ra áp lực khiến các cơ quan pháp luật phải nhanh chóng giải quyết các vụ việc một cách nghiêm minh.
Tuy nhiên, báo chí cần nghiên cứu đầy đủ hơn về Luật Trẻ em cũng như những quy định liên quan. Thực tế cho thấy, một số tờ báo, kênh truyền thông đã vi phạm quyền của trẻ em khi tác nghiệp, đặc biệt là quyền bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ. Báo chí đấu tranh và bảo vệ trẻ em là một điều đúng đắn, song đừng vì lý do này mà chúng ta quên đi những quyền lợi khác của trẻ đã được pháp luật quy định.
Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).(Ảnh:KS)
PV: Dư luận bức xúc là vậy nhưng dường như hệ thống pháp luật cuả chúng ta còn chưa “thích ứng” kịp với diễn biến phức tạp của nạn xâm hại trẻ em ?
Ông Đặng Hoa Nam: Theo tôi, một trong những lý do khiến các vụ xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng chậm được xử lý đến từ sự thiếu chặt chẽ của pháp luật. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng những quy định về mặt pháp y chưa đáp ứng được yêu cầu để thu thập chứng cứ, bằng chứng khi xác minh các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, các cơ quan có trách nhiệm, chức năng thực hiện giám định pháp y là quá ít, đăc biệt các cơ sở có trách nhiệm giám định pháp y về mặt tâm thần. Ở đây tôi phải lưu ý rằng, không ít vụ xâm hại tình dục trẻ em, ít hoặc không để lại tổn thương về mặt thể chất nhưng để lại những tổn thương rất lớn về tinh thần và tâm lý của trẻ.
Ngoài ra, thủ tục giám định hiện nay còn phụ thuộc quá nhiều vào các cơ quan có thẩm quyền. Đó là chưa kể những ràng buộc về thời gian theo quy định tại Luật Giám định tư pháp hiện hành. Đây là một bất cập trong quá trình thực thi pháp luật, bởi lẽ thủ phạm có thể lợi dụng lỗ hổng này để xóa dấu vết, chạy tội, thậm chí mua chuộc gia đình nạn nhân để không dính vào vòng lao lý.
PV: Trong một số vụ xâm hại trẻ em, dư luận cho rằng có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí là thờ ơ của các cơ quan chức năng. Vậy chúng ta phải làm gì để tình trạng này không tái diễn ?
Ông Đặng Hoa Nam: Hiện nay, Luật trẻ em đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, thậm chí các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em, cũng như xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại và bạo lực trẻ em. Cụ thể, Luật quy định Chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra xâm hại trẻ em trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ để quy định trách nhiệm của các bên khi xảy ra một vụ xâm hại trẻ em. Ví dụ, nếu xã yêu cầu mà cấp huyện không hỗ trợ thì cấp huyện chịu trách nhiệm; nếu yêu cầu tỉnh hỗ trợ mà tỉnh không hỗ trợ thì tỉnh phải chịu trách nhiệm; tỉnh này yêu cầu tỉnh khác hỗ trợ mà tỉnh đó không thực hiện thì tỉnh đó chịu trách nhiệm… Những quy định này đều được thống nhất trong quy chế phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức và được thể hiện trong Luật Trẻ em cũng như Nghị định 56 của Chính phủ.
PV: Hiện nay, địa phương đóng một vai trò quan trọng trong phòng chống xâm hại trẻ em. Vậy theo ông, trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở cần nhìn nhận như thế nào?
Ông Đặng Hoa Nam: Trước hết, tôi phải chia sẻ những áp lực và khó khăn của chính quyền địa phương, bởi họ có rất nhiều việc phải làm trong khi nguồn lực có hạn. Tuy nhiên chia sẻ không có nghĩa là chúng ta được phép thiếu quan tâm tới trẻ em, nhất là trong bối cảnh bảo vệ trẻ em đang là một ưu tiên hàng đầu của chính sách an sinh xã hội. Theo tôi, để có một hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ cơ sở thì UBND các cấp cần huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ can thiệp và bảo vệ cho trẻ một cách tốt nhất. Tôi nghĩ rằng khi Luật đã quy định thì vấn đề ở đây chỉ là chúng ta thực thi như thế nào để đem lại hiệu quả.
Hiện nay, Cục Trẻ em cũng đã tham mưu cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính triển khai Chương trình mục tiêu về phát triển trợ giúp xã hội, trong đó có dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em. Khi chương trình được thông qua, một số địa phương khó khăn sẽ được hỗ trợ kinh phí để xây dựng và thí điểm các mô hình bảo vệ và can thiệp đối với nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại. Điều này sẽ giúp chính quyền địa phương có thêm nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
PV: Vậy chúng ta cần những giải pháp gì để bảo vệ trẻ em cũng như giải quyết triệt để tình trạng xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng thời gian qua ?
Ông Đặng Hoa Nam: Để giải quyết được tình trạng này trước hết, mỗi gia đình cần có nhận thức rõ về vấn đề xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục. Trong đó các thành viên phải kịp thời lên tiếng khi con em, người thân của mình có những dấu hiệu bị xâm hại. Chính vì vậy, Cục Trẻ em sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính viễn thông nghiên cứu thành lập một đường dây nóng (bên cạnh các số 113, 114, 115) để tiếp nhận những thông tin của người dân liên quan đến xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cũng cần tăng cường tính răn đe, bởi một số đối tượng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và chừng nào những trường hợp này chưa bị tòa tuyên án, chưa bị khởi tố thì loại tội phạm này vẫn sẽ coi thường dư luận, coi thường pháp luật. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, một khi đã dính líu đến các vụ xâm hại trẻ em và đặc biệt là xâm hại tình dục thì những đối tượng này rất khó trở lại cuộc sống bình thường. Ngược lại ở Việt Nam, những nghi phạm này vẫn có một cuộc sống thoải mái, thậm chí người phải rời khỏi nơi sinh sống lại chính là gia đình và nạn nhân của các vụ xâm hại. Đây là điều không bình thường và buộc chúng ta phải có sự thay đổi.
Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, không ai bảo vệ các em tốt hơn là chính gia đình. Vì vậy, để các em có một cuộc sống an bình, trước hết các bậc phụ huynh phải là những người am hiểu pháp luật, đặc biệt là Luật trẻ em. Thứ hai, mỗi gia đình cần trang bị cho mình những kỹ năng về chăm sóc và bảo vệ con cái; mỗi ông bố, bà mẹ cần chủ động tiếp nhận kiến thức trên sách báo, các hoạt động truyền thông cộng đồng… về bảo vệ trẻ em. Cuối cùng, tôi muốn gửi gắm tới toàn xã hội một thông điệp rằng, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm không của riêng ai, chính vì vậy mỗi chúng ta cần chung tay để bảo đảm cho trẻ một môi trường sinh sống, học tập và vui chơi thực sự an toàn và lành mạnh./.
Kim Sơn (thực hiện)