Bảo vệ trẻ em khỏi tác động của COVID-19 

(Chinhphu.vn) - COVID-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng, từ đó cũng sẽ dẫn tới gia tăng lao động trẻ em vì các hộ gia đình phải sử dụng mọi phương cách có thể để tồn tại. Trẻ em cần được bảo vệ khỏi lao động trẻ em hơn bao giờ hết.
Trẻ em ở các gia đình nghèo cần được đặt vào trung tâm của các kế hoạch bảo trợ xã hội ứng phó và hồi phục sau dịch  COVID-19.

Đó là nội dung được trao đổi trong cuộc tọa đàm trực tuyến do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 12/6.

Cuộc tọa đàm trực tuyến được phát trực tiếp trên trang Facebook của ILO, UNICEF và trang của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111. Sự kiện hưởng ứng lời kêu gọi hành động toàn cầu nhân ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em 12/6.

Theo ước tính của ILO, từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch. UNICEF cho rằng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số trẻ em đã không đi học lại khi các trường mở cửa trở lại.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trẻ em bị mắc kẹt trong lao động sẽ bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe bị tổn hại, mất cơ hội thoát nghèo và phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Khi bỏ học, các em có thể kiếm được một khoản nhỏ nhưng có thể bị đói nghèo cả đời". Bà Rana Flowers cho rằng, hành động hiệu quả để chống lại lao động trẻ em trong bối cảnh hiện tại là trẻ em ở các gia đình nghèo phải được đặt vào trung tâm của các kế hoạch bảo trợ xã hội ứng phó và hồi phục sau dịch COVID-19.

Một báo cáo tóm tắt mới của ILO và UNICEF cho thấy đại dịch có thể khiến lao động trẻ em gia tăng sau 20 năm có những tiến bộ trong lĩnh vực này. Theo báo cáo “COVID-19 và lao động trẻ em: Giai đoạn khủng hoảng -giai đoạn để hành động", số lượng lao động trẻ em trên thế giới đã giảm tới 94 triệu trẻ kể từ năm 2020. Nhưng giờ đây, thành quả đó đang bị lung lay.

Theo ước tính, có hơn một triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động trẻ em tại Việt Nam. Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, những em này thậm chí còn có nguy cơ phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn.

Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết: "Cần hành động ngay lập tức để bảo vệ trẻ em khỏi lao động trẻ em và duy trì các nỗ lực quốc gia nhằm ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em. An sinh xã hội có vai trò quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng vì chính hệ thống này cung cấp hỗ trợ cho những nhóm dễ bị tổn thương nhất".

COVID-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng, từ đó cũng sẽ dẫn tới gia tăng lao động trẻ em vì các hộ gia đình phải sử dụng mọi phương cách có thể để tồn tại. Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy khi nghèo đói tăng 1% thì lao động trẻ em sẽ tăng theo ít nhất 0,7%.

Một đánh giá nhanh về tác động của COVID-19 đối với lao động trẻ em đang được thực hiện trên toàn quốc với sự hỗ trợ của ILO. Đánh giá này sẽ cung cấp thông tin cho việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025.

Trong những năm vừa qua, công cuộc đấu tranh phòng chống lao động trẻ em đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nhiều hoạt động hơn nữa để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, những tác động của COVID-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030.

Thu Cúc

169 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 772
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 772
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77266816