Ngày 20/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin chính thức về các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới 23/3.
Tiêu biểu là Chương trình phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019 với chủ đề: “Mặt Trời, Trái Đất và Thời tiết” (The Sun, the Earth and the Weather) tổ chức ngày 23/3 tại Hải Phòng.
Tại Chương trình phát động sẽ truyền tải thông điệp của Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng thế giới. Qua đó, phản ánh mục đích cốt lõi của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và vai trò thiết yếu của khí tượng thủy văn trong việc đưa ra dự báo thời tiết hàng ngày và tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách về biến đổi khí hậu. Trong quá trình đó, Tổ chức Khí tượng thế giới hỗ trợ các quốc gia để bảo vệ tính mạng và tài sản của cộng đồng trước sự khắc nghiệt của thời tiết và xây dựng khả năng chống chịu khí hậu lâu dài.
Do ảnh hưởng của gió mùa và sự phức tạp về địa hình nên Việt Nam thường chịu tác động mạnh về thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán... Từ những đặc thù điển hình về thời tiết khí hậu, mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn đã có lịch sử gần 120 năm và hiện nay vẫn luôn được quan tâm, phát triển với hơn 600 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, ra đa thời tiết, định vị sét,... và gần 800 trạm, điểm đo mưa.
Mạng lưới trạm đã và đang từng bước được nâng cấp hiện đại hóa, tự động hóa phục vụ đo đạc, thu thập đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu KTTV phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV và giám sát biến đổi khí hậu.
Đồng thời, ngành KTTV đã và đang áp dụng những thành tựu mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phục vụ truyền tin và áp dụng cho hệ thống tính toán phục vụ dự báo như: Hệ thống mạng LAN, Internet trong nội bộ, truyền tin vệ tinh, GPRS đến hệ thống máy tính hiệu năng cao, siêu máy tính mini…
Công nghệ dự báo KTTV được thực hiện theo hướng mô hình hóa, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và dự báo hải văn với hệ thống mô hình dự báo hiện đại trên thế giới như của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu… được cải tiến, phát triển cho phù hợp với Việt Nam trong dự báo bão, dự báo mưa lớn, dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, dự báo sóng biển, nước dâng do bão hay gió mùa.
Những nỗ lực phát triển của ngành KTTV đã bước đầu đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo; góp phần quan trọng làm giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra (số liệu năm 2018 so với năm 2017)
Tọa đàm: “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết - Hành động của chúng ta” sẽ được tổ chức để khẳng định vai trò, sự quan trọng của hoạt động KTTV trong phát triển kinh tế - xã hội; những thách thức đặt ra và những định hướng mục tiêu hành động để ngành KTTV.
Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức gắn biển Công trình Trạm Khí tượng trên 100 năm lịch sử tại Trạm Khí tượng Phù Liễn. Trạm Khí tượng Phù Liễn đã được Hội đồng Điều hành Tổ chức Khí tượng 100 năm tuổi trên thế giới. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: được quan trắc, vận hành theo tiêu chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới; có bộ dữ liệu lịch sử, có toạ độ địa lý thực tế, hoặc có nguồn gốc cụ thể gồm độ cao, thành phần khí tượng được xác định và đơn vị khí tượng, cũng như lịch trình quan trắc…
Ngoài ra, Hội nghị Tổng kết công tác dự báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 cũng được tổ chức để đánh giá toàn diện về công tác dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai năm 2018, trên cơ sở đó triển khai công tác dự báo, cảnh báo KTTV năm 2019 một cách hiệu quả, thiết thực phục vụ yêu cầu của công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới 2019 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: Mít tinh, kỷ niệm; treo băngrôn, poster, khẩu hiệu; tổ chức tọa đàm, trao đổi nghiệp vụ, giao lưu... Qua đó, nâng cao công tác phòng, chống thiên tai trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu Cúc