|
Tọa đàm Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ |
Chia sẻ tại Tọa đàm Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 30/6, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương thông tin, từ giữa năm 2022, khi dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng xuống thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại. Trong năm vừa rồi, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường thấy rằng vấn nạn của hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi.
Cụ thể, đối với vấn đề liên quan đến thương hiệu và nhãn hiệu, trong vòng một năm trở lại đây có 2 loại thương hiệu nhãn hiệu bị xâm phạm. Thứ nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng của quốc tế, thứ hai là các thương hiệu của sản phẩm Việt Nam. Trong khoảng một năm trở lại đây, Bộ Công Thương liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.
Ông Trần Hữu Linh chia sẻ thêm, vấn đề thứ ba liên quan đến phương thức, ta đều biết rằng hàng giả vẫn từ hai nguồn, thứ nhất từ nguồn nhập lậu, thẩm lậu từ các nước có đường biên giới với Việt Nam vào trong thị trường nội địa và thứ hai là hàng giả được sản xuất ở ngay trong nước. Thế nhưng hiện nay tốc độ phát triển của thương mại điện tử càng ngày càng tăng lên. “Thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử bây giờ là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” – ông Linh nhấn mạnh.
Tại buổi Tọa đàm, luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh, như Luật Sở hữu công nghiệp, Luật Thương mại, quy định phòng chống cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các luật chuyên ngành khác quản lý theo lĩnh vực dược phẩm, phân bón, các văn bản xử phạt hành chính, những quy định liên quan tại Bộ luật hình sự... Tuy nhiên, việc thực thi các chế tài trong thực tế cần hiệu quả hơn nữa.
Chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp của mình, bà Bùi Thị Thu Hiền - Đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, để phòng ngừa các hành vi vi phạm, công ty tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối và người tiêu dùng.
Đối với thương hiệu sản phẩm của mình, URC luôn có những thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt rõ ràng về thông tin bảng thành phần cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm.
URC cũng luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện các hàng hóa của công ty có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái, công ty chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.
Bên cạnh đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả, bà Bùi Thị Thu Hiền cũng đề nghị làm sao để đẩy nhanh được quá trình xử lý vi phạm, đồng thời có thể nâng cao mức hình phạt đối với chủ thể vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần để nhằm tăng tính răn đe cho đối tượng vi phạm.
Ông Trần Hữu Linh cũng nhấn mạnh, bên cạnh tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung phối hợp với tất cả các bộ, ngành liên quan cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.
Để phòng ngừa, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp tác động đến cả người sản xuất, người kinh doanh cũng như người mua hàng như: Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện truyền thông theo mục tiêu "mưa dầm thấm lâu" để dần thay đổi tâm lý, thói quen thỏa hiệp sử dụng hàng giả, hàng vi phạm của một bộ phận người tiêu dùng; tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng thật - hàng giả để cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết hàng giả…/.