Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên 

(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của việc Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại phiên họp này.

Sáng nay 13/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Tiến cho biết: Dự thảo Pháp lệnh gồm 05 Chương, 44 điều. Dự thảo cũng quy định, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quy định chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên; Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại…

 UBTVQH cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Ảnh: TL.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho hay, về quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (khoản 4, Điều 2 dự thảo Pháp lệnh), đa số ý kiến tán thành dự thảo Pháp lệnh và cho rằng: người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Song cũng có ý kiến đề nghị bỏ quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên mà Pháp lệnh số 09 đang quy định. Vì quy định này không phù hợp với quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 21 của Luật Luật sư "luật sư có nghĩa vụ tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu". Theo đó, luật sư chỉ tham gia tố tụng trong "các vụ án" mà không bao gồm các loại việc khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Tòa án nhân dân tối cao và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án. Việc chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được Pháp lệnh 09 quy định và thi hành ổn định 8 năm qua không có vướng mắc (Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về "Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc" cũng quy định tương tự).

“Nếu không quy định việc chỉ định luật sư, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể không được bảo vệ đầy đủ (nếu không thuộc diện trợ giúp pháp lý). Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm: Người chưa thành niên là đối tượng yếu thế được bảo vệ trong hệ thống pháp luật của nước ta. Trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho đối tượng này. Bên cạnh đó, Luật Trẻ em cũng quy định trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa; được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, được trợ giúp pháp lý.

Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng nên thiết kế theo hướng chế định luật sư đối với những người cần được trợ giúp pháp lý, bao gồm cả người thành niên từ 16 đến 18 tuổi và đối tượng khác có thể trong thực tế nó sẽ phát sinh và có yêu cầu, vậy sẽ chặt chẽ và toàn diện hơn.

 Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ảnh: TH.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm xem xét có cần thiết bổ sung các quy định về trình tự giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị. Bởi, trong thực tế có thể có những quyết định của Tòa án cấp huyện, toán cấp tỉnh có sai sót mà qua hai cấp Tòa án không phát hiện được…

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của việc Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại phiên họp này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc kịp thời sửa đổi toàn diện Pháp lệnh này đã góp phần thể chế hóa Nghị quyết 27 của Trung ương, xây dựng nền tư pháp ngày càng vững mạnh, chất lượng. Hồ sơ dự án Pháp lệnh đã được chuẩn bị đầy đủ, cụ thể, bảo đảm đúng quy định, đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi)./.

 
Vy Anh
286 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 641
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 641
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78071996