Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HL

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh, kỷ nguyên kỹ thuật số và mạng internet cho phép con người có nhiều cơ hội tiếp cận với tác phẩm, cuộc biểu diễn, ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất cứ thời gian, ở địa điểm nào. Tuy nhiên, chính những cơ hội này cũng đặt ra cho con người nhiều thách thức phải quan tâm giải quyết, trong đó có việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số, internet.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề nóng về quyền tác giả, quyền liên quan như: Vai trò của hệ thống quyền tác giả trong việc phát triển công nghiệp văn hóa; những linh hoạt của hệ thống quyền tác giả quốc tế; việc phát triển hệ thống quyền tác giả của Việt Nam…

Nhấn mạnh về vai trò của hệ thống quyền tác giả trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, Giáo sư Jorgen Blomqvist, nguyên Trưởng phòng Pháp luật quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cho biết: Ngành công nghiệp bản quyền đang phát triển nhanh hơn, tạo ra tương đối nhiều việc làm. Quyền tác giả và quyền liên quan đã đóng góp từ 3-5% vào GDP; ngành công nghiệp bản quyền tạo ra nhiều công văn việc làm hơn các ngành khác; phát triển nhanh hơn các ngành khác. Việc bảo hộ quyền tác giả góp phần khuyến khích sự sáng tạo của tác giả để tạo ra nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật mới; khuyến khích hoạt động kinh doanh, truyền bá các tác phẩm sao cho đảm bảo tính nguyên vẹn của tác phẩm.

Theo bà Miuyki Monroig, chuyên viên phòng Pháp luật Quyền tác giả, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới ra đời năm 1976, đến nay đã có 191 thành viên, trong đó có Việt Nam. Tổ chức này góp phần thúc đẩy hệ thống bảo vệ quyền tác giả ở phạm vi toàn cầu. Tất cả những phương thức bảo hộ quyền các tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật…trong 20 năm qua cần được thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội, tạo ra cơ chế khuyến khích sáng tạo trong môi trường số.

Tại hội thảo, ông Benjamin Ng, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Liên đoàn quốc tế các nhà soạn nhạc, soạn lời quốc tế (CISAC) cho rằng: Trong thế giới số hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet nên ngày càng có nhiều vi phạm trong lĩnh vực tác quyền. Do đó, cần nhìn nhận, xem lại và cân bằng hệ thống quyền tác giả, quyền liên quan.

Để thực thi tốt quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số, cần có sự hỗ trợ mang tính chọn lọc, đồng thời đưa ra những điều khoản, giải pháp thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, chú trọng đến giải pháp liên quan đến thuế để ngăn ngừa tranh chấp. Đồng thời tăng cường về mặt luật pháp để xử lý nghiêm vấn nạn trốn không đóng tiền bản quyền.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, bảo vệ các ngành phục vụ về bảo vệ quyền tác giả, tăng cường tuyên truyền về  quyền tác giả, quyền liên quan cho thế hệ trẻ để họ hiểu và nắm rõ quyền tác giả, quyền liên quan, bởi chính họ sẽ là đội ngũ sáng tác trẻ trong tương lai.

Huy Lê