Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giao dịch trên không gian mạng 

(ĐCSVN) - Dự thảo Luật bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

 

Chiều 25/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: QH.

Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, dự thảo Luật bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Dự thảo cũng nhấn mạnh một đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền lợi người tiêu dùng.

Mặt khác, dự thảo mở rộng đối tượng áp dụng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không giới hạn chỉ là các chủ thể liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Để bảo vệ người tiêu dùng yếu thế, dự thảo Luật đã bổ sung một Điều quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7), trong đó đưa ra khái niệm về người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo hướng bao gồm: “người cao tuổi theo quy định pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định pháp luật người khuyết tật; trẻ em theo quy định pháp luật trẻ em; người sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định pháp luật về công tác dân tộc; phụ nữ đang mang thai; phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo”.

Nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về BVQLNTD.

Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: TH. 

Về phạm vi sửa đổi của Luật, đa số ý kiến đề nghị cần định vị rõ hơn vị trí của Luật trong hệ thống pháp luật; tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù, chưa được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành để bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng.

Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với các dự thảo luật đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Ngoài ra, nên tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các quy định về những vấn đề mới, tránh việc quy định chung, khó định lượng; nghiên cứu thu hút các nội dung cụ thể trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đa số ý kiến Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng theo Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhất trí với bố cục của dự thảo Luật.

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương tương tự Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai. Mặt khác, cần xem xét lại đối tượng “người cao tuổi” cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

Về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Đề cập đến quy định về giải quyết tranh chấp. Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án (áp dụng thủ tục rút gọn) và Trọng tài…/.

 
Vy Anh
165 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 785
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 785
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87061568