Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng 

Tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng không phải là điều các thế lực thù địch, thành phần phản động mới tiến hành mà chúng đã “đeo đuổi”, “kiên trì” thực hiện từ hàng chục năm nay, nhưng quyết liệt hơn trong bối cảnh hiện nay. Mưu đồ, mục tiêu bao trùm của những đối tượng này vẫn là nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi mục tiêu và đường lối phát triển đất nước, phủ định định hướng XHCN ở nước ta... Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.

1. Một số thủ đoạn của thế lực thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Sự ra đời và phát triển của không gian mạng đã cải thiện đáng kể khả năng của các cá nhân và tổ chức trong việc công bố, trao đổi, tiếp cận thông tin, đồng thời nâng cao tính độc lập, tính đa dạng, tính chọn lọc và sự khác biệt của các suy nghĩ. Mọi người có thể tự do bày tỏ ý kiến của mình (một cách ẩn danh) trao đổi và chia sẻ thông tin, suy nghĩ của mình với những người khác về mọi vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, lối sống… trên không gian mạng.

Tuy vậy, một thực tế đặt ra là, hiện nay, các hệ tư tưởng, các luận điểm, các học thuyết ngoài mácxít, các loại chủ nghĩa khác nhau như: chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa khủng bố mạng, chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc…, cũng như vô số các tôn giáo, tín ngưỡng, thậm chí là mê tín dị đoan, đang xuất hiện một cách tràn lan trên không gian mạng. Từ đó, các thế lực thù địch, phản động trong nước và ngoài nước, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi đã lợi dụng triệt để những ưu thế của không gian mạng, một cách trực tiếp hay gián tiếp, công khai hay ngấm ngầm chĩa mũi nhọn vào lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam với âm mưu hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Chúng thường tập trung tấn công vào một số vấn đề sau:

Một là, không ngừng rêu rao những luận điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, chỉ phù hợp với thế kỷ XX, chỉ phù hợp với các nước ở châu Âu và hết các nước ngày nay đã từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ còn một vài nước “ngoan cố” như: Trung Quốc, Việt Nam còn “tôn thờ”. Chúng còn rêu rao rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự cộng lại giữa học thuyết của Mác và Nho giáo”, “con đường mà Hồ Chí Minh chọn là con đường dân tộc, không phải chủ nghĩa xã hội”; rằng, theo con đường đó sẽ là “sai lầm vô vọng, ảo tưởng”...

Hai là, tập trung công kích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng “lập luận” rằng, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là “không cần thiết, là trở ngại lớn của nền dân chủ và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay can thiệp quá sâu, “lấn sân”, “làm thay” công việc của Quốc hội, Chính phủ...”; rằng, “Đảng chỉ cần thiết khi chưa giành được chính quyền, khi đã có chính quyền Đảng nên trao quyền lại cho Nhân dân, cho bộ máy nhà nước...”; rằng “kinh tế tư nhân không cần Đảng lãnh đạo”, “Đảng và dân tộc là hai thực thể đối lập nhau”... Thực chất, những luận điệu này đều hướng tới một thủ đoạn thâm độc, nham hiểm đó là tạo nên sự đối lập giữa Đảng với Nhà nước và Nhân dân, từ đó dọn đường cho sự hình thành tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”; mục đích cuối cùng chính là vô hiệu hoá vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ba là, ráo riết công kích các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Với luận thuyết “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, chúng biện hộ rằng: “Sự lãnh đạo của một đảng duy nhất là mất dân chủ, là độc tài”, thích ứng với nền kinh tế thị trường “đa nguyên” thì không thể “nhất nguyên chính trị”; tình trạng khủng hoảng và đói nghèo, chậm phát triển ở Việt Nam “là hậu quả của chính sách cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam”... nên “phải xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam”. Để chứng minh chế độ một Đảng lãnh đạo là “sai lầm”, chúng còn cố tình “thổi phồng” những khuyết điểm, yếu kém trong Đảng, quy kết và coi đó là “cái phổ biến”, là bản chất của Đảng. Trong khi Đảng ta kiên quyết, kiên trì với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì các thế lục thù địch lại xuyên tạc rằng “đó chỉ là những quân tốt thí để giữ thế cờ”; đồng thời tung tin thất thiệt, nói sai sự thật, vu cáo trắng trợn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm tạo dư luận xấu, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ Đảng và hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng Nhân dân.

Bốn là, phát tán những thông tin sai trái về nhân sự các cấp; đưa ra những “tài liệu”, bình luận gây hoang mang dư luận; tung ra những “chuyện giật gân” trong sinh hoạt của lãnh đạo, đề cao người này, hạ thấp người kia, kích động, chia rẽ lãnh đạo cấp cao của Đảng, gây nghi ngờ, chia rẽ Nhân dân với Đảng...

Năm là, lợi dụng một số hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành xã hội của chính quyền các cấp để tập trung bôi nhọ, công kích bằng thủ đoạn “đan xen, lồng ghép thật giả”, tạo dựng những “bằng chứng” cho thấy chính quyền “vô tích sự”, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân, không chăm lo an sinh xã hội...

2. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng - trách nhiệm không của riêng ai

Để chủ động đập tan những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, ngay từ năm 1983, Đảng ta đã đưa ra quan điểm: “Tăng cường hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận để làm tốt nhiệm vụ tham gia nghiên cứu, chuẩn bị và giải thích về mặt lý luận đường lối, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực, nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm tiên tiến trong các phong trào cách mạng của quần chúng, phê phán những tư tưởng, quan điểm sai trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối của Đảng”. Kể từ đó đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, về công tác tư tưởng, lý luận... trong đó nêu rõ các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị, “Về Chiến lược an ninh mạng quốc gia”... Có thể thấy, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đều thống nhất quan điểm chỉ đạo về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã thể chế hóa thành pháp luật, như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Quốc phòng năm 2018... Việc Nhà nước từng bước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về an toàn thông tin, nhất là thông tin mạng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng.

Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã phần nào giành lại thế chủ động trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, song tính bất đối xứng của cuộc chiến tư tưởng vẫn là một thách thức không nhỏ. Điều này gây ảnh hưởng không tốt, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, đối với chế độ, đối với mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hơn lúc nào hết, chúng ta phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như xây dựng, củng cố và phát triển “thế trận lòng dân” nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Theo đó, cần quan tâm một số vấn đề sau:

 Thứ nhất, cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi công dân nâng cao hiểu biết, có ý thức chia sẻ, cùng hành động, chủ động loại bỏ những thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng, tạo sự tin tưởng, đồng hành và sẻ chia với Đảng và Nhà nước trong quá trình đấu tranh loại bỏ thông tin xấu, độc. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; kiên quyết vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ, hoang mang, dao động trước sự tấn công trên mặt trận chính trị, tư tưởng; bình tĩnh xem xét, phân tích và nhận rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà các thế lực thù địch đang ra sức chống phá.

Thứ hai, sớm xây dựng, cập nhật, ban hành các văn bản pháp luật, trong đó bao gồm các quy định bảo vệ, quản lý dữ liệu quan trọng của quốc gia, của người dân Việt Nam; cập nhật, sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến công nghệ AI trong các văn bản, chính sách, quản lý hoạt động nền tảng mạng/trực tuyến của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Mặt khác, cần tập trung triển khai các chiến lược quan trọng tự lực, tự cường về công nghệ, nhất là Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó quan tâm tập trung đầu tư cho công nghệ tiên tiến, hiện đại, đặc biệt là công nghệ AI, góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Thứ ba, cần có một cơ quan chuyên trách đóng vai trò phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời và liên tục  trong “cuộc chiến thông tin” này. Đồng thời cần có một cơ chế cung cấp thông tin nhanh và chính xác cho báo chí trong nước. Ngược lại, các phương tiện truyền thông trong nước phải đưa thông tin đúng, nhanh nhạy, hấp dẫn, bổ ích để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Thứ tư, quan tâm xây dựng, phát triển các hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới và tích cực tuyên truyền trên không gian mạng. Đây sẽ là những “vũ khí tinh thần” quan trọng giúp “cư dân mạng” củng cố bản lĩnh, ý chí; xác định đúng định hướng, mục tiêu, phương thức và hành động khi chia sẻ, lan tỏa những giá trị tích cực trên Internet, từ đó sẽ giảm bớt các hiện tượng lệch chuẩn trên mạng xã hội.

Thứ năm, quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đội ngũ này phải là những người có khả năng làm chủ công nghệ, đặc biệt là công nghệ hiện đại. Đồng thời, phải có đủ kiến thức, khả năng lập luận, vốn sống; kiên định về lập trường, bản lĩnh chính trị trước những thay đổi, biến đổi của thế giới trong tương lai.   

 Thứ sáu, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải là “người lính xung kích” trong việc đưa trang mạng xã hội của cá nhân mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Mỗi một công dân cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia vào cộng đồng mạng để bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc trong bối cảnh mới; tỉnh táo nhận diện mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch, phân biệt, đấu tranh với các quan điểm sai trái thông qua những ý kiến phản biện chính đáng, tâm huyết; góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Minh Huyền

536 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 657
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 657
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87236980