Bảo vệ động vật hoang dã bằng cách giảm nhu cầu sử dụng 

(Chinhphu.vn) - Chương trình Động vật hoang dã châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa chính thức khởi động giai đoạn 3 của sáng kiến “Chí” với mục đích giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.

 

Lễ khởi động Chương trình sáng kiến của Chí nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác.
Ảnh: VGP/Nguyễn Dũng

Tại lễ khởi động tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội, đại diện tổ chức USAID cho rằng, nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại các quốc gia châu Á là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại châu Phi và đẩy nhiều phân loài tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã có những bước tiến dài trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã, trong đó phải kể đến việc ban hành Bộ luật hình sự mới với các quy định tăng nặng mức phạt đối với các hành vi sở hữu và buôn bán các loài động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang được xem là thị trường nóng trong việc trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác. Hiện, loài tê giác đã tuyệt chủng tại Việt Nam.

Để giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác, sáng kiến “Chí” (hay “Sức tại Chí”) là một sáng kiến truyền thông xã hội, nhằm thông qua các giải pháp truyền thông để thay đổi hành vi sử dụng sừng tê giác thể hiện đẳng cấp xã hội của các nhóm người sử dụng. Đặc biệt, với hỗ trợ của chương trình Động vật Hoang dã châu Á của USAID, giai đoạn 3 của sáng kiến “Chí” kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần giảm nhu cầu này.

“Chính phủ Mỹ cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới nhằm chống lại tội phạm buôn bán động vật hoang dã và chấm dứt tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp từ động vật hoang dã”, ông Craig Hart, Quyền Giám đốc USAID tại Việt Nam khẳng định.

Bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện Tổ chức Traffic tại Việt Nam cũng cho biết, với hỗ trợ của Chương trình Động vật Hoang dã châu Á và sự cam kết mạnh mẽ của các đối tác Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm những giải pháp truyền thông thay đổi hành vi sáng tạo hơn để tiếp tục giảm thiểu nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam.

Ban tổ chức chương trình “Sức tại Chí” cũng cho biết, thời gian qua, có 2 nhóm người sử dụng sừng tê giác nhiều là nhóm người có bệnh sử dụng thường xuyên vì nghĩ sừng tê giác chữa được bệnh và nhóm người sử dụng sừng tê giác vì tò mò.

Theo các tài liệu của y học phương Đông, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc “Thanh nhiệt lương huyết”. Sừng tê giác tính hàn, vị đắng khi dùng nó có tác dụng đi vào kinh tâm, can, vị (tim, gan, dạ dày). Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh an thần dùng để điều trị các chứng thuộc ôn bệnh như sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, sốt phát ban...

Tuy nhiên, nó có phải thần dược. Vì trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết có tất cả 17 vị thuốc như ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược... vừa rẻ vừa dễ tìm. “Trong Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì đắt, khó tìm, nhưng đặc biệt là có nhiều thảo dược khác thay thế dễ tìm và rẻ hơn rất nhiều. Sừng tê giác là một vị thuốc chứ không phải là một bài thuốc. Trong y học phương Đông có tất cả khoảng một vạn bảy nghìn bài thuốc, nhưng chỉ có khoảng 20 bài có thành phần sừng tê giác. Cho nên nếu chỉ uống độc vị sừng tê giác không có ý nghĩa chữa bệnh, nếu có tác dụng chỉ là cá biệt. Hơn nữa, trong Đông y không có bài thuốc nào dùng sừng tê giác độc vị”, theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng.

Chương trình Động vật Hoang dã châu Á của USAID hỗ trợ các giải pháp phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới. Chương trình hoạt động với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng các bộ phận và sản phẩm từ động vật hoang dã, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, nâng cao kiến thức pháp luật và các nghiên cứu về luật, cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực nhằm giảm bớt tội phạm buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á. Các hoạt động của Chương trình Động vật hoang dã châu Á của USAID tập trung vào 4 loài động vật hoang dã, bao gồm voi, tê giác, hổ và tê tê.

Nguyễn Dũng

841 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 821
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 821
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87117305