Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng 

Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một phần quan trọng của chủ quyền quốc gia. Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, là yếu tố then chốt hình thành không gian mạng an toàn, ổn định của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Mỗi quốc gia có cách định nghĩa riêng về không gian mạng nhưng tất cả đều có chung quan điểm: Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Với những đặc tính đó không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành của xã hội, có ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội, đem lại nhiều cơ hội mới để các quốc gia xây dựng và phát triển.

Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia đối với các vùng dữ liệu, thông tin trên không gian mạng do Nhà nước quản lý, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng hệ thống chính sách, pháp luật và các công nghệ phù hợp với luật pháp quốc tế. Là một bộ phận quan trọng không thể tách rời với chủ quyền quốc gia (như đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời), do vậy các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức có chủ quyền quốc gia riêng trên không gian mạng. Nghị định 142/2016/NĐ-CP, ngày 14/10/2016 của Chính phủ chỉ rõ: Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là tất cả quyền của nhà nước đối với không gian mạng, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.

Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là việc áp dụng những biện pháp, chính sách của quốc gia nhằm mục tiêu bảo vệ hệ thống thông tin, dữ liệu; bảo vệ các đối tượng, các tài nguyên mạng, quy tắc xử lý, ứng xử trên không gian mạng; bảo đảm quyền bình đẳng trong sử dụng mạng Internet; độc lập trong vận hành cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ quốc gia. Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng sẽ góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đang đứng trước những khó khăn, thách thức nhất định. Thế giới đang đứng trước những thay đổi quan trọng trên không gian mạng, trong đó có sự tiến bộ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (data analytics), điện toán đám mây (cloud computing) và 5G....  và mỗi ngày lại có thêm nhiều ứng dụng, dịch vụ mới ra đời. Song, bên cạnh những ưu điểm vượt trội như tốc độ truyền tải thông tin cao, khả năng lưu trữ lớn cùng với nhiều công nghệ hiện đại không gian mạng cũng ẩn chứa những hiểm họa khôn lường về an toàn thông tin. Không gian mạng đã và đang là môi trường lý tưởng cho các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Hàng loạt cuộc tấn công xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp, phá hoại dữ liệu đã không được kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin, dẫn đến không kịp thời phát hiện được nguy cơ, lỗ hổng, mã độc bị cài vào trong hệ thống. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn, thách thức với tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng,

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, góp phần quan trọng bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; tạo hành lang pháp lý để nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh, trật tự và xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trên không gian mạng. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng xác định: “... Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước...”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: Việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động ngày càng sâu rộng trên toàn thế giới, để giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng thời gian tới cần thực hiện một số nội dung và giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành để huy động mọi nguồn lực. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thường xuyên, liên tục với nội dung và biện pháp phù hợp, hiệu quả. Tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược an ninh mạng quốc gia. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người sử dụng mạng tuân thủ pháp luật, văn hóa, đạo đức, quan hệ và ứng xử xã hội trên không gian mạng.

Thứ hai, hoàn thiện khung khổ luật pháp quốc gia, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với các quy định quốc tế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, sẵn sàng ứng phó với các thách thức an ninh mạng, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.

Thứ ba, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng. Tự chủ công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng công nghệ, phần cứng, từ hạ tầng lõi đến các thiết bị điện tử cá nhân để hạn chế sự xâm nhập các mã độc.

Thứ tư, tăng cường củng cố và phát triển lực lượng chuyên trách, nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng, đặc biệt là các lực lượng vũ trang để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Triển khai các biện pháp phòng vệ chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đáp trả các hoạt động tấn công, các mối đe dọa an ninh mạng, gián điệp mạng, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước các dịch vụ trên không gian mạng, nâng cao sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội để triển khai các biện pháp phòng thủ, giám sát, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền không gian mạng của quốc gia.

Có thể nói, không gian mạng được coi như vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia, chứa đựng lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một phần không thể tách rời của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Trước tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, công cuộc chuyển đổi số của quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ thì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Minh Huyền (TH)

 

42 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 633
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 633
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86310221