Huyện miền núi Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị giáp nước bạn Lào, có địa hình rừng núi đa dạng, tạo nên những cảnh quan núi sông, suối thác hùng vỹ. Thác Chênh Vênh, Động Brai, Động Tà Puồng, đèo Sa mù…, từ lâu trở thành những điểm dừng chân lý tưởng với du khách gần xa bởi không gian xanh mướt, huyền ảo, khí hậu mát mẻ… Anh Nguyễn Việt Hòa, du khách ở Đăk Lăk cảm nhận: “Đến với miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị chúng tôi thấy có nhiều nét tương đồng với vùng đất Tây Nguyên. Đặc biệt, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở khu vực này mang những nét văn hóa truyền thống đặc sắc riêng có. Khung cảnh ở đây cũng rất hùng vỹ, quyến rũ. Nếu được đầu tư bài bản hơn, du lịch cộng đồng ở đây sẽ rất hấp dẫn”.
Thác Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị
Những năm gần đây, huyện Hướng Hóa phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động khai thác tiềm năng du lịch địa phương. Đặc biệt là việc hỗ trợ bà con Vân Kiều, Pa Cô phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Thác Chênh Vênh dưới chân đèo Sa Mù, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa nổi tiếng là điểm check in hấp dẫn du khách gần xa bởi vẻ đẹp hoang sơ nằm trong quần thể Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Đến đây, ngoài chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, du khách trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch cộng đồng gắn với cuộc sống cư dân bản địa của người Vân Kiều như hòa mình với tiếng cồng chiêng, giai điệu dân ca; chế tác nhạc cụ truyền thống; thưởng thức cơm lam, cơm nếp cẩm, thịt dê, cá mát, gà bản…
Chị Hồ Thị Nhàn, ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho hay: “Ở đây có đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Những nét văn hóa đặc sắc, ẩm thực của đồng bào, những món ắn đặc trưng nhất của bà con miền núi. Chúng tôi giới thiệu, quảng bá trang phục truyền thống và những nét sinh hoạt, tập tục của đồng bào ở đây”.
Trưng bày, giới thiệu văn hóa đồng bào vùng cao
Nghệ nhân ưu tú Kray Sứt, dân tộc Pa Cô ở thôn ALiêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm gần đây cấp ủy, chính quyền huyện Đakrông hỗ trợ bàn con rất nhiều trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Nhờ đó, nhiều làn điệu dân ca, nhạc cụ, trang phục truyền thống của người Pa Cô được sưu tầm, lưu giữ. Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống phục dựng gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Kray Sứt mong muốn thắp sáng ngọn lửa đam mê văn hóa dân tộc trong các người trẻ Pa Cô, từ đó giới thiệu tới bạn bè, du khách gần xa về những nét đặc trưng riêng của dân tộc mình. “Mặc dầu việc tổ chức chưa đầy đủ lắm, chưa hoàn thiện lắm nhưng chúng tôi cũng cố gắng bảo tồn bản sắc văn hóa. Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi nhưng cũng không kém phần lo lắng. Chúng tôi tái hiện, giới thiệu những nét văn hóa cổ nhất, có từ ngàn đời nay”.
Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đồng bào Pa Cô, Vân Kiều được phục dựng
Kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có rất nhiều lễ hội như: Lễ hội Mừng lúa mới, Lễ hội Cồng chiêng, Lễ hội Đâm trâu, Lễ hội A riêu Ping, Lễ hội AraPựt, Lễ hội Uống rượu thề… Những năm qua, thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn lực, tỉnh Quảng Trị phục hồi và phát huy các giá trị lễ hội dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi gắn với phát triển du lịch. Nhiều lễ hội truyền thống nguy cơ mai một được phục dựng bài bản, tôn trọng yếu tố gốc, lược bỏ những hủ tục lạc hậu. Từ đó, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao thu nhập cho bà con Vân Kiều, Pa Cô.
Tỉnh Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn gắn phát triển du lịch vùng cao
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương triển khai nhiều giải pháp bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với khai thác tiềm năng du lịch vùng miền núi phía tây. “Chúng tôi quảng bá, tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là các điểm du lịch. Chúng tôi mong muốn việc kết nối, giao lưu văn hóa các vùng miền, đặc biệt là việc tổ chức triển khai các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Qua đó, cùng với toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong đó, tập trung các giải pháp đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.