Bảo toàn ngành gỗ: Phối hợp chính sách và thị trường 

(Chinhphu.vn) - Đại dịch COVID-19 hiện đang hoành hành tại nhiều quốc gia và có thể gây ra một cuộc đại suy thoái quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, đại dịch đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi khía cạnh của xã hội và kinh tế. Báo cáo "Đối diện và vượt qua thách thức: Tác động của đại dịch COVID-19 tới ngành gỗ và hướng đi mới của doanh nghiệp" đưa ra các thông tin ban đầu về tác động của đại dịch tới ngành gỗ Việt Nam.

 

Cần xác định các dòng sản phẩm chiến lược giai đoạn này và thời kỳ sau đại dịch để tập trung phát triển sản xuất - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Tổ chức Forest Trends vừa công bố Báo cáo "Đối diện và vượt qua thách thức: Tác động của đại dịch COVID-19 tới ngành gỗ và hướng đi mới doanh nghiệp", chỉ ra những tác động của COVID-19 đến ngành gỗ từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Theo báo cáo,  thị trường xuất khẩu đóng băng, các đơn hàng bị hủy hoặc chậm làm tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Thông tin từ Công ty TNHH Juma Phú Thọ - một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu gỗ dán lớn nhất tại Việt Nam, với lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 30% trong tổng lượng gỗ dán xuất khẩu của cả Việt Nam vào Hoa Kỳ - cho biết trước dịch, lượng xuất được khoảng 450 container mỗi tháng, tuy nhiên hiện co hẹp lại chỉ còn khoảng 200 container. Công ty cho biết, lịch sản xuất phải điều chỉnh từng ngày do lo sợ dịch sẽ làm cản trở lưu thông hàng hóa, không thanh toán được tiền hàng.

Nguồn thông tin từ 124 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy, có trên một nửa (51%) đã phải thu hẹp quy mô sản xuất do dịch; 35% cho biết mặc dù hiện đang hoạt động bình thường nhưng phải sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% đã ngừng hoạt động và 7% vẫn hoạt động bình thường.

Cùng với đó, tình trạng dừng, hủy đơn hàng khiến các doanh nghiệp cũng khá lao đao.

Báo cáo của VIFOREST dựa trên thông tin chia sẻ từ một số doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ đi Mỹ và EU cho thấy, khoảng 80% người mua từ các thị trường này hiện đã dừng hoặc đang hủy đơn hàng.

Ông Vũ Hải Bằng, Tổng Giám đốc Công ty Woodsland - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất Việt Nam cho biết, hiện các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của nước ta đã đóng cửa hệ thống cửa hàng tiêu thụ tại các quốc gia này. Người mua hàng ngay lập tức thông báo đến các nhà sản xuất, trong đó có Woodsland, để ngừng đơn hàng. Dự kiến 6-7 tuần nữa mới có thêm thông tin các cửa hàng bên kia có nhận hàng nữa hay không.

Thông tin từ khảo sát tác động của dịch tới các doanh nghiệp gỗ cho thấy, khoảng 45% lượng lao động trong 105 doanh nghiệp phản hồi khảo sát đã bị mất việc. Cụ thể, trước khi dịch diễn ra, tổng số lao động làm việc tại 105 doanh nghiệp là 47.506 người; khi dịch COVID diễn các doanh nghiệp này phải cho 21.410 người lao động tạm nghỉ việc. Con số này tương đương với 45% trong tổng lao động của doanh nghiệp trước dịch.

Phản ứng kịp thời từ chính sách

Trong tháng 3 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp gỗ đã gửi nhiều văn bản tới Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm kêu gọi sự trợ giúp của chính quyền nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch tới doanh nghiệp.

Một trong những quyết định quan trọng là tại cuộc họp thường kỳ ngày 1/4/2020 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với kiến nghị của VIFOREST và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó giao Bộ Tài chính đưa vào Dự thảo Nghị định về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất đối với các doanh nghiệp ngành gỗ. Ngày 3/4, Bộ Tài chính đã tiếp thu và đưa phân ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre nứa vào dự thảo Nghị định trình Chính phủ.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất nâng gói tài khoá này lên gần 180.000 tỷ đồng, gấp 6 lần số tiền dự tính ban đầu và ngày 8/4, Thủ tướng đã chính thức ký Nghị định số 41/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất trong đó có ngành gỗ. Tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 5/4, Thủ tướng đã đồng ý với dự thảo Nghị quyết gói 61.580 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dich. Theo thông báo của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đã nộp thuế trong kỳ quyết toán 30/3/2020, Bộ Tài chính sẽ cho phép bù trừ vào các khoản thuế phải nộp khác để bảo đảm các doanh nghiệp đều được hưởng ưu đãi này.

Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban thành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về ưu đãi các khoản tín dụng cho các ngân hàng thương mại để các tổ chức này cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Đây là chính sách tín dụng đầu tiên trong gói hỗ trợ của Chính phủ. Các doanh nghiệp gỗ hiện nay cũng nằm trong danh sách được tiếp cập với gói tín dụng này, theo như chỉ đạo của Thủ tướng ngày 1/4/2020 vừa qua.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ liên quan hướng dẫn chính sách hỗ trợ về lao động.

Các thay đổi trong chính sách của Chính phủ trong thời gian vừa qua đã cho thấy các phản ứng sắc bén của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong cả nước, bao gồm các doanh nghiệp trong ngành gỗ. Điều quan trọng tiếp theo là làm thế nào để thực hiện các cơ chế chính sách này nhanh và hiệu quả, bảo đảm các nguồn hỗ trợ kịp thời và đúng với các nhóm đối tượng cần hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong đề xuất của báo cáo cũng nêu: Các chính sách và cơ chế này cũng cần có độ phủ rộng hơn, quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ngành, bao gồm các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tại các làng nghề và lao động tại các làng nghề này, các cơ sở sản xuất và chế biến quy mô nhỏ. Ví dụ, chỉ riêng làng nghề gỗ Đồng Kỵ với 1.500 cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình, hay làng nghề Hữu Bằng với trên 2.500 hộ, với hàng chục nghìn lao động hiện đang phải tạm dừng sản xuất hoặc hoạt động với quy mô co giảm nghiêm trọng. Con số thống kê năm 2019 của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, các cơ sở sản xuất chế biến gỗ quy mô nhỏ và hộ gia đình tại tỉnh Lào Cai là 316 cơ sở và hộ, tại tỉnh Tuyên Quang là 302 cơ sở và hộ, tại Tây Ninh là 311 cơ sở và hộ. Các cơ sở và hộ tại các tỉnh này và tại các địa phương khác cần được ưu tiên trong việc tiếp cận với các nguồn hỗ trợ của Chính phủ.

Đỗ Hương

256 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 843
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 843
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88999525