Bão số 9 sẽ gây mưa lớn trước khi đổ bộ 

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, bão số 9 là cơn bão rất mạnh trong vòng 20 năm qua. Do đó, công tác dự báo cần phải chủ động, cố gắng dự báo sát nhất để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân, doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về công tác dự báo bão số 9 (Molave) đang đổ bộ vào Việt Nam.

Bão khả năng đạt cường độ cực đại trong chiều và tối nay

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia cho biết, bão số 9 bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27/10). Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10.

Trên cơ sở phân tích kết quả các số liệu và mô hình dự báo mà các đài Việt Nam thu thập được, dự báo vùng trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định với gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Ông Lâm cũng cho biết, bão sẽ di chuyển đến khu vực làm tăng cường độ trong 6-12 giờ và có khả năng đạt cường độ cực đại trong chiều và tối nay. Đặc biệt, cơn bão có đặc điểm gây mưa to, gió lớn trước khi tâm bão đổ bộ vào bờ. “Nếu giữ nguyên cấp 12 khi vào đất liền, bão số 9 sẽ có sức tàn phá khủng khiếp, các nhà cấp 4 có thể không thể chịu đựng được trước sức gió", ông Lâm cho hay.

Chia sẻ thêm thông tin, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thuỷ văn quốc gia cho hay, ảnh hưởng mưa lớn do bão số 9, từ đêm ngày 27/10 đến ngày 1/11, trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai lên mức báo động 2- báo động 3, có sông trên mức báo động 3; hạ lưu sông Cả (Nghệ An), các sông chính ở Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk lên mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2, các sông nhỏ lên mức báo động 3.

"Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu" - ông nói.

Ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam lưu ý, trong vòng 5 tiếng qua, bão không đi chếch lên mà đang đi theo chính tây (đi ngang). Với tốc độ rất nhanh là 25 km/h, bão sẽ đi thẳng vào bờ. Dự báo chỉ trong vòng 15-18 giờ tới, tâm bão sẽ cập bờ, ngay trên đất liền Quy Nhơn, hoặc ở khu vực giữa Quảng Ngãi - Bình Định.

Phân tích thêm về khả năng suy yếu, ông Hải cho biết nếu 19h tối nay bão đạt cường độ là cấp 14, giật cấp 17 và trường hợp khả quan sau đó, cứ 3 tiếng bão giảm 1 cấp thì đến khi vào bờ, bão vẫn mạnh đến cấp 11-12.  “Không có cơ may nào cho thấy bão sẽ suy yếu hơn cường độ dự báo khi vào đất liền”, ông Hải nói.

Họp trực tuyến hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: VGP/Thùy Chi

 

Chủ động các phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn yêu cầu các đài dự báo khu vực của Tổng cục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đưa thông tin dự báo kịp thời, chính xác nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

“Khi bão cấp 12-13 đổ bộ thì hệ thống thông tin bị ảnh hưởng. Do đó đề nghị các đơn vị bố trí kênh thông tin dự phòng. Đặc biệt, đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia chuyển ngay cho các địa phương bản đồ cảnh báo lụt, sạt lở cảnh báo kịp thời cho người dân”, ông Trần Hồng Thái nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Cơn bão này sẽ tạo lượng mưa lớn trước khi đổ bộ vào đất liền. Ảnh hưởng bão lũ thời gian qua tại các tỉnh miền trung hậu quả chưa xử lý kịp, lượng nước sông hồ vẫn còn lớn. Vấn đề mưa, lũ ống, quét, sạt lở có nguy cơ cao. Cơn bão này cũng có tác động gió cấp 6-7 ở Tây Nguyên - nơi có ít kinh nghiệm phòng chống bão… Do đó, đề nghị các đài khí tượng-thủy văn khu vực căn cứ địa hình cụ thể để đưa ra cảnh báo chi tiết hơn cho các địa phương nhằm chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia nỗ lực hơn nữa để tiếp tục bám sát các diễn biến mới nhất của cơn bão, cập nhật các số liệu quốc tế, để liên tục đưa ra những dự báo sớm nhất, chất lượng dự báo tốt nhất. Đặc biệt, đưa thông tin cảnh báo cụ thể liên quan đến khả năng khi nào có gió mạnh, dự báo tình hình mưa, lũ, sạt lở… cho người dân vùng bão lũ được biết.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị duy trì tốt công tác chỉ đạo, kỷ luật kỷ cương, duy trì hệ thống thông tin liên lạc, đưa ra các dự báo chính xác. Đặc biệt, các đơn vị có phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho cán bộ nhân viên khi bão vào, đồng thời có phương án dự phòng về việc đưa thông tin dự báo trong trường hợp hệ thống thông tin liên lạc bị ảnh hưởng.

Thùy Chi

239 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 963
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 963
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87197994