Dự báo hướng đi của bão số 8 (Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia)

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão số 8 ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 7 giờ ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản, tính đến 16h00 ngày 22/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu/289.299 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão.

Báo cáo của Bộ Giao Thông vận tải cho biết, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có tổng số 525 tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại các khu vực cảng biển.

Về tình hình lũ, hiện nay, lũ trên các sông tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang xuống mức dưới báo động 1. Lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống. Dự báo trong ngày 23/10 mực nước trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,5m, dưới báo động 3 0,2m.

Về tình hình ngập lụt, tính đến 20h ngày 22/10, tỉnh Hà Tĩnh còn 2.672 hộ, giảm 1.930 hộ. Tỉnh Quảng Bình 21.890 hộ, giảm 20.293 hộ. Hiện lũ đang rút.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ảnh hưởng của mưa lũ từ 6/10 đến 22/10 đã làm 117 người chết, 21 người mất tích.

Về nhà ở, có 37.524 nhà bị hư hỏng và thiệt hại do ngập lụt, trong đó: Nghệ An 49 nhà, Quảng Bình 21.902 nhà; Quảng Trị 175 nhà; Thừa Thiên Huế 72 nhà.

Để tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với diễn biến bão số 8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, các đơn vị liên quan cần rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tại các khu tránh trú bão; rà soát không để người trên các phương tiện khi bão đổ bộ. Quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi tùy vào diễn biến của bão, các địa phương quyết định việc cấm biển.

Đáng chú ý, chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch, sản xuất nuôi trồng thủy hải sản; nhất là an toàn về người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt, cần lưu ý bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, có biện pháp để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ với các tàu đang bị sự cố.

Bên cạnh đó, cần rà soát chuẩn bị sẵn sàng di dân đảm bảo an toàn cho khu vực ven biển, vùng trũng thấp và nhà yếu; chằng chống nhà cửa, cây lớn có nguy cơ gẫy đổ; chặt tỉa cành cây.

Kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều nhất là các công trình xung yếu, đang thi công; khu vực sạt lở; quản lý an toàn giao thông nhất là khi bão vào, tránh thiệt hại về người và tài sản.

Các địa phương kiểm tra để có phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân tại vùng còn đang ở khu vực ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các huyện còn ngập của tỉnh Quảng Bình./.

 
BT