Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (TTKTTVQG), vào 10 giờ sáng nay (16-9), bão số 5 ở vào khoảng 13,3 độ vĩ bắc, 117,3 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo chính thức của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 km. Sau đó bão tiếp tục mạnh lên và di chuyển nhanh hơn với tốc độ 20 km/giờ.
Dự kiến đến sáng 18-9, bão số 5 mạnh lên cấp 11-12, giật cấp 14 và đi vào vùng biển Quảng Trị - Quảng Nam. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình - Đà Nẵng với sức gió cấp 10-11, giật cấp 13. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 tại Quảng Bình - Đà Nẵng.
TTKTTVQG đánh giá, bão số 5 di chuyển nhanh, cường độ mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14. Ngày 18-9, bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, trọng tâm là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng với sức gió cấp 10-11, giật cấp 13.
Từ chiều mai, ở Trung bộ bắt đầu có mưa, lượng mưa rất lớn, trong thời gian ngắn. Lũ cao nhất có khả năng lên trên báo động 2 ở các tỉnh Trung bộ, kèm nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó với bão số 5, trưa 16-9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 10 giờ sáng nay, đã có 58.345 phương tiện/285.384 người được thông báo biết diễn biến và hướng đi của bão số 5
Báo cáo của Cục Trồng trọt cũng cho biết tình hình sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Bắc Trung bộ về cơ bản đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu, tuy nhiên vẫn còn hơn 98.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch.
Tình hình hồ thủy điện các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam vẫn đang vận hành bình thường, mực nước thấp. Lưu ý có 55 hồ hư hỏng và 41 hồ đang thi công cần đặc biệt quan tâm.
Tình hình đê điều từ Thanh Hóa - Đà Nẵng có 99 vị trí xung yếu đê biển cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ, 26 công trình đê điều đang thi công.
Trước tình hình trên, sáng cùng ngày, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng có công điện do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường ký, yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, TP ven biển từ Thanh Hóa - Bình Thuận chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.
Ngày 15-9, Bộ Ngoại giao cũng có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị tạo thuận lợi cho ngư dân tàu thuyền vào tránh trú.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã cử đoàn công tác đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế để kiểm tra và phối hợp địa phương chỉ đạo công tác ứng phó với bão.