Thông tin tại hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Hữu - Phó Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến chiều 28/8, đơn vị đã tổ chức thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.361 phương tiện thuộc các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên biết, chủ động phòng tránh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
|
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 20 tàu với 146 thuyền viên của Quảng Trị đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ nhưng chưa thể liên lạc. “Hiện, chúng tôi đang tích cực làm việc với gia đình các chủ tàu để tìm cách liên lạc, thông tin cho các tàu này” - Đại tá Trần Ngọc Hữu nói.
Ngày 28/8, Bộ Ngoại giao cũng đã có công hàm đề nghị Cơ quan đại diện của các nước liên quan tại Việt Nam (Trung Quốc, Philippines...) phối hợp, trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại tạo điều kiện cho tàu thuyền được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.Trong khi đó, một số tỉnh, TP ven biển cũng đã tích cực triển khai các giải pháp ứng phó. Nghệ An và Thanh Hoá cũng chủ trương sẽ “cấm biển” vào sáng 30/8…
Nhấn mạnh cơn bão còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng lưu ý các bộ ngành, các địa phương không được phép chủ quan. Theo đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão. Chủ động triển khai ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với tỉnh Quảng Trị, khẩn trương liên lạc, hướng dẫn 20 tàu còn đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ. Các tỉnh, TP ven biển tập trung bảo đảm an toàn ven biển, không để tàu bè, người dân ở vùng nguy hiểm khi bão đổ bộ.
“Chúng ta đã có kinh nghiệm, nhưng không được chủ quan. Cần phối hợp với các quốc gia để bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền và ngư dân. Đồng thời, căn cứ diễn biễn của bão để chủ động “cấm biển”…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổng kiểm tra hồ chứa, nhất là hồ thuỷ điện nhỏ. Tập trung huy động phương tiện lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích và vũ trang đóng quân trên địa bàn giúp dân khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Chủ động phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, điện lưới, thông tin liên lạc; thực hiện dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết để ứng phó với mưa, lũ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó kịp thời khi tình huống xảy ra.