|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp, xóm giềng ngược đãi, xâm hại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị-xã hội từ trung ương tới địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học…
Là quốc gia thứ hai trên thế giới, là quốc gia đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, Việt Nam đạt trước thời hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan trực tiếp đến trẻ em và hiện đang tích cực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, trong đó nhiều mục tiêu trực tiếp tới trẻ em.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết; thậm chí bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần. Và trên thực tế số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ở Việt Nam không dừng lại ở khoảng 2.000 trường hợp như báo cáo của Bộ LĐTB&XH.
“Ngoài 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện, được can thiệp, được hỗ trợ, được đưa vào số liệu thống kê còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được phát hiện? Còn bao nhiêu hành vi, cách ứng xử với trẻ em mà nhiều người thấy là “bình thường” nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, là ảnh hưởng xấu tới phát triển của trẻ em?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Và điều đau lòng là không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp, xóm giềng ngược đãi, xâm hại và dù được can thiệp, hỗ trợ - nhiều trường hợp người ngược đãi, xâm hại bị nghiêm trị - nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn.
Theo Phó Thủ tướng, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường cùng nhiều văn bản pháp luật khác đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các chủ thể từ trung ương tới cơ sở; từ Đảng tới cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội… trong công tác bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều giải pháp lớn cũng như phân công trách nhiệm các cơ quan đều đã được quy định cụ thể ngay trong Luật.
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em và thực trạng tình trạng xâm hại trẻ em có nguy cơ gia tăng nếu không được chú trọng chỉ đạo quyết liệt hơn, trước khi Luật trẻ em có hiệu lực (ngày 01/6/2017),Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Ngay tại thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sau 1 năm phải tiến hành đánh giá kết quả thực hiện để có sự chỉ đạo hiệu quả hơn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phân tích nguyên nhân bất cập và các giải pháp cụ thể.
Một ví dụ được Phó Thủ tướng nêu lên là Điều 90 (Luật Trẻ em) quy định rõ phải xác định người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã nhưng theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH đến nay mới có 590 cán bộ thuộc 6 tỉnh/thành phố được phân công làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Nghĩa là mới có khoảng 5% số xã, 10% số tỉnh triển khai một công việc có thể nói là không khó. Và vì thế trong nhiều trường hợp khi Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được báo có vụ việc xâm hại trẻ em không biết liên hệ với ai ở cơ sở để xử lý.
“Qua ví dụ đó, chúng ta cũng có thể thấy nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em cũng như hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật về trẻ em cần phải được chú trọng hơn nữa với đầy đủ trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói và tin tưởng hội nghị sẽ tạo động lực để công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện quyết liệt, hiệu qủa hơn trong thời gian tới để trẻ em – niềm hạnh phúc, tương lai của mỗi gia đình, của đất nước được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tốt nhất.
Đình Nam