Gia đình cô Nguyễn Thị Mầu được cán bộ BHXH tư vấn các hình thức tham gia BHYT được Nhà nước hỗ trợ.
(Ảnh: Bích Liên)
Trong chuyến công tác về một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi không thể quên được hình ảnh bệnh nhân với làn da xanh, nhợt nhạt vì bệnh tật. Đó là cô Nguyễn Thị Mầu, 65 tuổi ở xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Năm 2018, cô Mầu không may bị tai nạn lao động phải cắt đi một ngón tay bên bàn tay phải. Trớ trêu thay, cũng thời gian này cô Màu lại phát hiện mình mắc bệnh tim, cần phẫu thuật gấp.
Là hộ cận nghèo, nên khi nghe về số tiền phẫu thuật thay van tim hai lá tại bệnh viện Bạch Mai lên đến 115 triệu đồng, cô Mầu đã từ chối. Nhưng khi biết được tấm thẻ BHYT do Nhà nước cấp sẽ chi trả gần như toàn bộ số tiền trên, cô mới chấp nhận chữa bệnh. BHYT như một tấm “bùa hộ mệnh” giúp cô giảm tới 95% tổng chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt, mỗi tháng cô còn được Nhà nước hỗ trợ 30.000 đồng.
“Tôi biết ơn và không biết nói gì hơn là gửi lời cảm ơn tới Nhà nước, cơ quan bảo hiểm đã cấp phát BHYT cứu sống tôi, giúp những hộ nghèo như nhà tôi không bị nợ nần vì chi phí chữa bệnh” - cô Mầu cho chúng tôi biết.
Không hiếm những hộ nghèo rơi vào tình trạng như cô Mầu trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước nguy cơ bệnh tật gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố, vì vậy, việc tham gia BHYT là một lựa chọn sáng suốt đối với nhiều người dân.
Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Vì thế, dù mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Đặc biệt, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí khám, chữa bệnh tùy thuộc vào nhóm đối tượng.
Cùng nằm trên huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), chị Nguyễn Thị Lan, 43 tuổi ở thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông cũng thuộc trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Khi đến bệnh viện thăm khám, chị Lan phát hiện bị mắc bệnh bạch cầu. Từ đó đến nay, hàng tháng chị phải đến Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Hà Nội khám và nhận thuốc điều trị.
Chia sẻ với chúng tôi về tình trạng bệnh tật của mình, chị Lan cho biết: “Khi thông báo tôi bị mắc bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung đề nghị tôi mua BHYT để có thể giảm chi phí khám, chữa bệnh dài hạn bởi căn bệnh này cần điều trị "trường kỳ" và rất đắt đỏ. Lúc đó, tôi rất đã lo lắng. May mắn cho tôi là đã được cán bộ Bảo hiểm cũng như đội ngũ bác sỹ rất tận tình, trách nhiệm nên tôi đã chuyển được bảo hiểm y tế và được hưởng hỗ trợ từ BHYT là 80% cho toàn bộ các chi phí khám, chữa bệnh".
Theo chị Lan, sau đợt chữa trị đầu tiên thì hàng tháng chị vẫn phải duy trì khám và lấy thuốc điều trị. Nếu không có BHYT mỗi tháng chị phải mất khoảng hơn 9 triệu đồng tiền thuốc. Hiện giờ khi có thẻ BHYT, chị khám và điều trị chỉ mất khoảng 1,2 triệu đồng, còn lại các loại thuốc cao cấp đặc trị bệnh đều nằm trong danh mục thuốc được ngành y tế cho hưởng miễn phí. “Số tiền 1 tháng còn lại này bằng chi phí mua bảo hiểm của cả năm của vợ chồng tôi do chính sách mua BHYT theo hộ gia đình thì người thứ 2 trở đi được giảm. Nhờ có chính sách BHYT tốt, các bác sỹ chữa bệnh cũng rất nhiệt tình chứ không những người dân mắc bệnh hiểm nghèo như tôi không có tiền cũng chịu chết”, chị Lan cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc BHXH huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho rằng, ngoài các trường hợp trên, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh còn hàng trăm trường hợp khác có chi phí KCB bằng BHYT cao.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn do số lượng người dân tham gia BHYT tăng lên nhanh, khối lượng giải quyết công việc, chế độ nhiều nhưng về phía ngành Bảo hiểm vẫn luôn cố gắng nỗ lực để giải quyết kịp thời nhằm đảm bảo chính sách an sinh cho người dân trên địa bàn.
Theo thống kê của BHXH tỉnh Bắc Ninh, tình đến hết ngày 31/7/2019, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt 91,31% vượt 3,51% so với chỉ tiêu của Chính phủ giao (năm 2019 là 87,8%). Cùng với đó, BHXH tỉnh đã cấp 586.568 thẻ BHYT, trong đó cấp mới 399.533 thẻ, cấp lại, đổi 187.035 thẻ BHYT. BHXH tỉnh cũng đã thanh toán, chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 1.375.048 lượt người với số tiền là 774,521 tỷ đồng.
Nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT cho người có thẻ khi đi khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo./.
Bích Liên