Báo động tình trạng đồ chơi bạo lực trẻ em bán công khai ​ 

(ĐCSVN) - Nếu tham gia ở bất cứ lễ hội nào, hay ở một cửa hàng tạp hóa, hội chợ triển lãm hiện nay, các bậc phụ huynh sẽ không khó để mua cho con em mình một món đồ chơi kiểu như kiếm, súng, lựu đạn, nói chung là các loại đồ chơi mang tính bạo lực trẻ em.

 

Việc đồ chơi quá giống hàng thật vô tình còn “huấn luyện” cho trẻ em có thể biết cách sử dụng vũ khí.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: KC
 Tham gia một số hội chợ triển lãm hàng tiêu dùng ở một số địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ, Yên Bái... chúng tôi đã chứng kiến không ít các gian hàng tổng hợp, trong đó có bán loại đồ chơi của trẻ em có tính bạo lực được bày bán tràn lan, công khai.

Chị Nguyễn Thị Mai, chủ một sạp hàng đồ chơi trẻ em ở một hội chợ hàng tiêu dùng diễn ra tại Phủ Lý (Hà Nam) gần đây chia sẻ: Trẻ con bây giờ nó xem phim hoạt hình và phim siêu nhân, xem game nhiều nên chúng chỉ thích các món đồ chơi giống trong phim ảnh, trong game điện tử. Là người buôn bán, mình cũng theo thị hiếu của các cháu, bán các loại đồ chơi bằng nhựa mô phỏng các thứ vũ khí trong phim, trong game. Còn nhiều thứ hàng khác có bày bán nhưng ế chỏng không bán được.

Quan sát quầy hàng của chị Mai cùng một số sạp hàng đồ chơi trẻ em khác tại hội chợ, chúng tôi thấy có vô số đồ chơi, trong đó có nhiều đồ chơi mang tính bạo lực dành cho trẻ em. Các chủng loại súng ống, dao kiếm, búa, lựu đạn...giống y chang như thật, nhiều sạp hàng bán chủng loại này còn rất đắt khách.

Có một thực tế hiện nay, khi vào bất cứ quầy hàng tạp hóa nào chúng ta cũng dễ dàng chứng kiến đồ chơi trẻ em, trong đó có không ít loại đồ chơi bạo lực được bày bán công khai.

Còn nhớ, trong dịp đi trẩy hội tại Chùa Hương (huyện Mỹ Đức - Hà Nội) năm 2018, ngoài những sản vật của địa phương như: củ mài, rau sắng, quả mơ...vốn có ở đất Hương Sơn, du khách còn có thể tha hồ mua sắm những loại đồ chơi bạo lực do Trung Quốc sản xuất. Thậm chí việc tìm một sạp có đồ chơi bạo lực dành cho trẻ em còn dễ dàng hơn rất nhiều so với thành phố …

Khi rẽ theo bất cứ ngả nào trong khuôn viên danh thắng nổi tiếng này, du khách đều có thể dễ dàng chọn cho con em mình một món đồ chơi đậm chất bạo lực ở các sạp hàng hai bên đường. Nhiều và phổ biến nhất là dao kiếm, lựu đạn, búa, rìu, súng ống bằng nhựa do Trung Quốc sản xuất. Ở đây, mỗi khẩu súng nhựa tùy loại có giá dao động từ 80 - 150 nghìn đồng.

Tiến hành trải nghiệm thực tế chúng tôi nhận thấy điều đặc biệt ở loại súng đồ chơi này là có nguyên lý hoạt động gần giống súng thật. Súng đồ chơi ở đây chủ yếu hoạt động dựa vào lực đẩy của lò-xo, nếu sử dụng ở phạm vi gần có thể gây sát thương…

Thương lái tên Mạnh quảng cáo về loại súng có thể bắn vụn miếng tôn. Ảnh: KC

Trò chuyện với một lái buôn tên Mạnh, có sạp hàng đồ chơi ở chợ Móng Cái (một chợ vùng giáp biên thuộc tỉnh Quảng Ninh), vừa đưa chúng tôi xem mẫu súng đồ chơi mới cùng lời cam đoan “trẻ con nhìn thấy đảm bảo mê ngay!”. Nói dứt lời, Mạnh thử nghiệm ngay sự công phá của súng cho chúng tôi xem, khi ông ta lấy một miếng tôn mỏng để cự ly cách chừng 3m, sau đó lên đạn (một loại đạn nhựa rất cứng hình tròn), giương súng rồi siết cò.. lập tức miếng tôn bị xuyên thủng một lỗ khiến người chứng kiến vô cùng kinh ngạc. Người bán thậm chí còn quảng cáo, súng này có thể bắn chết cả chim nếu ở cự ly gần! Đám trẻ con theo bố mẹ gần đó tỏ thích thú, hò reo ầm ĩ và làm nũng  bố mẹ phải mua ngay cho chúng.

Điều đáng nói, do nguyên lí hoạt động của súng giả mà khá giống với súng thật như: Cũng nạp đạn – lên đạn – ngắm bắn – siết cò... nên vô tình còn “huấn luyện” cho người dùng đồ chơi, đặc biệt trẻ em có thể biết cách sử dụng vũ khí.

Điều lạ là mặc dù các loại đồ chơi bạo lực như súng bắn đạn nhựa, dao kiếm có thể gây sát thương đã bị cấm buôn bán tại thị trường Việt Nam từ lâu, nhưng không hiểu sao chúng vẫn được bày bán công khai tại nhiều địa điểm vui chơi, thương mại, thậm chí cả khu danh thắng, di tích của nước ta.

Đây cũng đang là hiện trạng báo động, cơ quan chức năng cần vào cuộc chấn chỉnh, có biện pháp xử lý ngay việc kinh doanh các mặt hàng bạo lực nói trên. Bởi với những loại đồ chơi này trông thì tưởng vô hại, nhưng rất có thể gây thương tích và nguy hiểm cho người khác. Điều tai tại hơn, sử dụng đồ chơi vũ khí bạo lực sẽ khiến tính cách trẻ em ngày càng trở nên hung hăng, bạo lực hơn, và sâu xa hơn là vấn nạn bạo lực học đường như một hệ quả tất yếu...

Về việc quản lý, xử lý vấn đề này dưới góc độ pháp luật, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm, Hà Nội cho biết: Theo Quyết định 88/2000/QĐ-BTM ngày 18-1-2000 của Bộ Thương mại, những loại đồ chơi trẻ em  có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm. Cụ thể: Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng (súng nén bằng hơi hoặc bằng lò xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ); Các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác như lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ; Các loại pháo: pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng; Các loại đồ chơi dưới dạng văn hóa phẩm (ấn phẩm, băng, đĩa), các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em.

Ngoài ra, các phần mềm vi tính trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, mại dâm; Các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng, trang thiết bị khác hoặc không đảm bảo an toàn cho trẻ em; Các loại đồ chơi có sử dụng quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, ảnh lãnh tụ không đúng với quy định, mục đích xấu cũng bị nghiêm cấm.

Còn theo Nghị định 167/2013, người nào cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm đã bị cấm có thể bị xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng. Người kinh doanh buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Bên cạnh đó, điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP còn quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm còn có thể bị xử phạt từ 500.000 -100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính./.

Kim Chiến

433 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1266
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1267
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87225773