|
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. - Ảnh: VGP |
Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Uỷ viên Uỷ ban ATGT Quốc gia - về những giải pháp ngành giao thông đã, đang và sẽ thực hiện trong giai đoạn nhu cầu vận tải cao điểm trước Tết Nguyên đán 2021, nhất là trong bối cảnh vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa thực hiện các giải pháp chống dịch COVID-19 trên cả nước.
Giải pháp đồng bộ
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, thông điệp xuyên suốt trong các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, các cấp, các ngành, địa phương tới người dân luôn là “không để người dân nào không được về quê đón Tết”. Xin hỏi, thông điệp năm nay của Bộ GTVT là gì?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Sắp tới là Tết Dương lịch, sau đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chúng ta sẽ đón Tết Nguyên đán Tân Sửu. Cùng với việc chúng ta đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, hoạt động kinh tế, xã hội, giao thông vận tải nội địa đang dần phục hồi và dự báo xu hướng sẽ tăng mạnh, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021, làm gia tăng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa và mật độ phương tiện tham gia giao thông, tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông và dịch vụ vận tải.
Chính vì thế, việc đảm bảo an toàn giao thông cũng như đảm bảo vận tải được xuyên suốt trước, trong và sau Tết luôn là công việc thường xuyên, liên tục của các bộ, ngành và các cấp chính quyền. Công điện 1711 ngày 7/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2021 đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể mà Bộ GTVT, cùng các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt để tạo điều kiện đi lại thuận tiện nhất cho người dân, trên cơ sở chấp hành các quy định về vận tải.
Mục tiêu của ngành giao thông là nỗ lực thực hiện mọi giải pháp, không để người dân thiếu phương tiện về quê ăn Tết, đồng thời phải gắn với an toàn, văn minh, văn hóa trong đi lại của người dân, kết hợp với các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới.
Để đạt được mục tiêu trên và để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Bộ GTVT đã triển khai những giải pháp cụ thể gì?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1711 giao nhiệm vụ tới Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GTVT, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rất cụ thể đối với việc đảm bảo an toàn giao thông phục vụ trước, trong và sau Tết, đặc biệt là thời gian sau Tết với nhiều lễ hội Xuân được tổ chức, lưu lượng giao thông tăng cao.
Về phía Bộ GTVT, chúng tôi đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Các Sở GTVT địa phương đã xây dựng xong phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào trung tâm TP. Hà Nội và TPHCM; các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà ga, sân bay, bến cảng...) và khu vực tổ chức Lễ hội xuân.
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh, các doanh nghiệp, nhà xe, bến xe chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19.
Các bến xe, nhà xe đều đã có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đảm bảo an toàn phòng dịch, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; giảm thiểu tối đa tình trạng chậm, hủy chuyến trong hàng không; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định.
Về công tác đăng kiểm, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm, Chỉ thị số 29/CT-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng. Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tiếp tục siết chặt công tác kiểm tra, nhất là đối với xe khách, xe khách giường nằm, xe đầu kéo và các xe tải lớn. Đây là những loại phương tiện sử dụng nhiều, tần suất cao trong giai đoạn trước và sau Tết.
Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành để xử lý các phương tiện hết hạn kiểm định trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố; đồng thời, thông báo đến các chủ phương tiện thời hạn kiểm định của phương tiện; Tăng cường giám sát trên mạng kiểm định và qua hệ thống camera; thực hiện kiểm tra chuyên ngành các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, khi phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.
Lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy. Trong đó, chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử phạt các hành vi: Điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, lấn đường; dừng, đỗ phương tiện trái phép; không đội mũ bảo hiểm; không nhường đường cho xe ưu tiên; đi vào làn đường khẩn cấp; vi phạm khi qua đường ngang; chở quá tải trọng, quá số người quy định…
Lực lượng Thanh tra giao thông được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ ở các nơi xuất bến; phối hợp với lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử nghiêm các vi phạm, kiên quyết xử lý tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định; tăng cường kiểm tra xe container - đối tượng thường gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.
Đặc biệt, điểm mới năm nay là lực lượng công an chính quy đã được bố trí từ cơ sở xã, tất cả các tuyến đường ở cấp xã đều sẽ được tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, để hạn chế thấp nhất tình trạng tai nạn giao thông xảy ra ở các tuyến đường nông thôn.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trực tiếp kiểm tra công tác sửa chữa đường sau sạt lở. Ảnh: Báo Giao thông. |
"Đã uống rượu, bia - không lái xe”
Trong Công điện 1711, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành chú trọng vận động nhân dân thực hiện: "Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Xin hỏi, Bộ GTVT, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã thực hiện chỉ đạo này thế nào?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Năm 2020 là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, cũng như thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và xác định chủ đề của năm là “Đã uống rượu, bia - không lái xe” với mục tiêu: Tính mạng con người là trên hết. Có thể thấy, Nghị định 100 đã điều chỉnh toàn diện, nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương này, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền để người lái xe và chủ doanh nghiệp vận tải ý thức được việc “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Bên cạnh đó, các bộ ngành kết hợp với lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông mở cao điểm xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm về nồng độ cồn và ma túy với mức phạt cao theo quy định tại Nghị định số 100/NĐ-CP.
Hiện nay, trên phương tiện vận tải đã có thiết bị giám sát hành trình hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhằm giám sát người điều khiển phương tiện để giảm nguy cơ lái xe gây mất an toàn. Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp vận tải phải thường xuyên kiểm tra, giám sát tài xế tại bến xem có sử dụng chất gây nghiện như ma túy hay rượu bia hay không, kiểm soát chặt thời gian lái xe của tài xế, không để lái quá thời gian quy định….
Tôi hy vọng rằng, sau 1 năm thực hiện Nghị định 100 cùng sự chuyển biến rõ rệt của nhân dân về ý thức thì Tết Tân Sửu 2021 năm nay sẽ không còn vụ tai nạn giao thông đau lòng nào liên quan đến tài xế sử dụng bia rượu như vụ việc ngày 25/1/2020 (mùng 1 Tết Canh Tý) khi người điều khiển mô tô vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn tại Đắk Lắk làm 3 người chết. Tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu chỉ có thể giảm khi bản thân người điều khiển phương tiện thay đổi hành vi và thói quen sử dụng bia, rượu không chỉ trong những ngày đầu xuân, mà trong tất cả những ngày sau đó.
Đối với hàng không, đường sắt, Bộ GTVT đã có những chỉ đạo cụ thể ra sao?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Hiện nay, vận tải hàng không quốc tế đang trong giai đoạn hạn chế vì dịch COVID-19, nên chỉ tập trung vận tải hàng không nội địa. Kinh nghiệm các năm cho thấy, lượng khách chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP HCM.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tính toán tại các cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ngoài vận chuyển trên không phải chú trọng vấn đề bố trí phương tiện đón trả khách ở các cảng hàng không. Bên cạnh đó, vào các ngày cao điểm có thể kéo dài thời gian bay trong ngày, có thể bay cả ban đêm. Hiện có 3 hãng vận chuyển hàng không lớn là Vietnam Airlines, Bamboo, Vietjet có đủ số lượng tàu bay phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Đường sắt cũng đã bán vé cho người dân trước trong và sau Tết. Bộ GTVT đã chỉ đạo tổ chức đưa đón khách tại các ga và bố trí các đoàn tàu phù hợp, thuận tiện cho người dân. Đường thủy nội địa cũng như hàng hải tập trung vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải ven bờ, giữa đất liền và ra đảo an toàn, đáp ứng đi lại của người dân.
Bộ GTVT cố gắng với tinh thần cao nhất để đến 30 Tết không còn hành khách nào không có phương tiện về quê ăn Tết.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Phan Trang (thực hiện)