|
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong 10 năm trở lại đây và của nhiệm kỳ 2015-2020.
Quảng Ninh đã nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh làm căn cứ hoạch định chiến lược phát triển.
Tỉnh có vị trí trọng yếu ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc, có kỳ quan Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới kết nối với những đặc sắc của vịnh Bái Tử Long, vịnh Lan Hạ; có mỏ than với chất lượng tốt nhất, trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á; là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; có di sản nhà Trần với các giá trị nhân văn về phật pháp, tâm linh, quyết tâm dựng nước, giữ nước trải dài từ non thiêng Yên Tử (Uông Bí)...
Đó là những tiềm năng, lợi thế, cơ hội để Quảng Ninh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch nhanh, bền vững.
“Tỉnh đã nhận thức đầy đủ các khó khăn, mâu thuẫn, thách thức đan xen để lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết.
Là một tỉnh có 4 thành phố, 2 thị xã, song có trên 60% đơn vị hành chính cấp xã (109/177) là miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng bào 42 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, nhưng lại cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh, chủ yếu ở địa bàn miền núi, hải đảo, biên giới khó khăn, nhưng có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng-an ninh.
Gần 50% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi và chỉ đóng góp 5,1% GRDP. Đặc biệt, khoảng cách giữa 20% người giàu nhất với 20% người nghèo nhất trong tỉnh chênh lệch trên 8 lần.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã định hướng tầm nhìn dài hạn làm cơ sở lựa chọn quan điểm, bước đi, giải pháp tiến tới mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía bắc và cả nước; tích cực đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
“Lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa học với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới; quản lý, công khai, giám sát thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo tính ổn định, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho hay.
Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá
Tỉnh còn bám sát 7 quy hoạch chiến lược, kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, cũng như thế mạnh của tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Với tâm là thành phố Hạ Long được mở rộng địa giới, không gian phát triển sau khi nhập huyện Hoành Bồ tạo ra dư địa mới và nguồn lực mới với tầm nhìn dài hạn, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã còn nhiều khó khăn; hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tỉnh và tuyến phía Tây.
Tỉnh luôn bám sát Cương lĩnh phát triển đất nước, ưu tiên triển khai đột phá chiến lược về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng bằng việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Với quan điểm “đường đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã tập trung tiết kiệm nguồn chi, chủ động ứng vốn, đề xuất thực hiện chủ đầu tư đối với tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long; hợp tác công-tư đối với tuyến cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, và tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái (hoàn thành trong năm 2021...).
Một trong những điểm mạnh của Quảng Ninh là đẩy mạnh cải cách hành chính, vận hành hiệu quả trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp theo nguyên tắc “5 tại chỗ”.
Chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục trong nhiều năm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền địa phương cải thiện rõ rệt với bước đột phá 3 năm liên tục từ năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng đầu cả nước; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) luôn đứng ở nhóm dẫn đầu cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục tiến bộ về điểm số và thứ hạng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong 5 năm qua, tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm và cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi…
5 năm qua tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, đến năm 2020 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, tỉnh đã rút ra một số kinh nghiệm quan trọng: Bám sát, nắm chắc, chủ động tiếp thu, hiện thực hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và các địa phương; nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, huy động sức mạnh tổng hợp với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là chủ yếu.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bám sát thực tiễn Quảng Ninh, hành động theo quy luật khách quan; xác định tầm nhìn chiến lược, dài hạn; thực hiện phương châm “Quy hoạch tổng thể; xây dựng từng phần”; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả.
Trong tư duy kinh tế-xã hội, không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá; phát triển nhanh các vùng có lợi thế để tạo thành các cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, đồng thời bố trí nguồn lực thỏa đáng hỗ trợ các vùng khó đồng hành, không để một ai ở lại phía sau.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cũng khẳng định sự đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Nhóm PV