Bảo đảm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát 

(ĐCSVN) – Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi công bố kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chiều 29/11.

Mục đích, ý nghĩa của đợt kiểm tra nhằm đánh giá đúng về tình hình, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tìm ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, từ đó có biện pháp thiết thực, hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong thời gian tới.

Thông qua công tác kiểm tra và thực tiễn công tác thu hồi tài sản để phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách về thu hồi tài sản; từ đó đề xuất, kiến nghị điều chỉnh thể chế, chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, bảo đảm thực thi công lý, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát cho Nhà nước và nhân dân. Thời gian kiểm tra từ 1/1/2013 - 30/9/2018 và các bản án, quyết định của Tòa án trước ngày 1/1/2013 nhưng chưa được thi hành xong.

Báo cáo tại buổi kiểm tra, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thời gian qua, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời công tác xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế được dư luận xã hội quan tâm; quán triệt việc xét xử phải đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản Nhà nước, tăng cường áp dụng hình phạt bổ sung, biện pháp kê biên tài sản…

Báo cáo của Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế, chủ động đề ra các yêu cầu xác minh, phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án xác minh áp dụng biện pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, không để đối tượng bỏ trốn, tẩu tán, che giấu hợp pháp tài sản tham nhũng. Đặc biệt, trong các vụ án tham nhũng lớn xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vụ Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Thị Phấn… Viện Kiểm sát đã đóng vai trò quyết định trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng để đảm bảo thu hồi tài sản Nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
phát biểu chỉ đạo tại Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. (Ảnh: HH)

Sau khi nghe báo cáo kết quả tự kiểm tra của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế qua hoạt động xét xử của ngành Tòa án ngày càng được quan tâm, những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Quá trình xét xử các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ngoài việc giải quyết về tội danh và hình phạt, Tòa án các cấp đã chú trọng kê biên, phong tỏa tài khoản để bảo đảm công tác thu hồi tài sản trong các vụ án. Tuy nhiên, một số bản án đã có hiệu lực pháp luật từ nhiều năm, có yêu cầu đính chính, giải thích song đến nay vẫn chưa được giải quyết, đó là vấn đề báo cáo cần phân tích sâu thêm, nhất là tìm ra hướng giải quyết đối với việc thi hành bản án.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá công tác thu hồi tài sản được Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, kiểm sát chặt chẽ, 100% số vụ án được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, kiến nghị cơ quan điều tra thực hiện, áp dụng các biện pháp để thu hồi tài sản. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát các cấp đã trực tiếp thu hồi được số tiền lớn trong giai đoạn truy tố, trong đó có đơn vị trong ngành thu hồi được 100% số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong một số vụ án.

Đồng chí Trương Hòa Bình cho rằng, để công tác kiểm tra đạt hiệu quả, tiết kiệm thời gian, không ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đòi hỏi phải có sự tập trung cao của các thành viên Đoàn công tác, sự chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của Đảng ủy, Ban cán sự Đảng và các cơ quan, đơn vị Đoàn đến làm việc. Lãnh đạo Đoàn kiểm tra đề nghị Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Đoàn; những tài liệu, hồ sơ vụ án, những vấn đề Đoàn yêu cầu giải trình thêm cần được các cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm cho công tác kiểm tra đạt kết quả./.

PV

664 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 495
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 495
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78077964