Bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở nước ta 

Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước.

Trong các kỳ đại hội, Đảng ta luôn khẳng định: tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp; Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú; Cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi giá cả, sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả; Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, ASXH, tiếp tục bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm…

 Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã nhận thức ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn về tầm quan trọng, mục tiêu và nội dung của việc giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là ASXH, phúc lợi xã hội, bảo đảm toàn diện quyền con người. Trên cơ sở hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện (Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội…), Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách xã hội, qua đó đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về đảm bảo ASXH.

Về lao động và việc làm, Bộ luật Lao động ban hành năm 1994 được sửa đổi nhiều lần (2002, 2006, 2007, 2012, và 2019) đã tạo hành lang pháp lý cho việc hoàn thiện các tiêu chuẩn lao động, thiết lập quan hệ lao động giữa các chủ thể, điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến quan hệ lao động. Việc xây dựng, triển khai thực hiện Luật Việc làm 2013 và Chương trình việc làm đã góp phần định hướng nghề nghiệp, ổn định và phát triển thị trường lao động ở Việt Nam, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động mỗi năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong nhiều năm qua, Việt Nam triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo đa chiều và khắc phục nguy cơ tái nghèo, nhất là đối với các huyện, xã nghèo, ở khu vực biên giới, biển, đảo có nhiều khó khăn; thu hẹp chênh lệch về mức sống và ASXH so với bình quân cả nước. Việt Nam đã hoàn thành, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều còn khoảng 3,6%. Chính sách Bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột chính trong hệ thống ASXH. Đến hết năm 2022, cả nước có 17,5 triệu người tham gia, chiếm tỷ lệ 38,08% lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 8,27 triệu người năm 2012 lên gần 14,3 triệu người năm 2022, chiếm 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, với hệ thống dịch vụ y tế ngày càng mở rộng và nâng cao chất lượng, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Đến hết năm 2022, cả nước có 91,1 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, chiếm trên 92% dân số; Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt cao, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm mạnh, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện nay là 73,6 tuổi. Về giáo dục, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn phổ cập giáo dục từ cấp mầm non (trẻ 5 tuổi) đến trung học cơ sở. Tính đến hết tháng 9/2023, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67,7%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,8%. Mạng lưới các trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tăng quy mô; số lượng học sinh được học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và dự bị đại học tăng. Chính sách ưu đãi người có công được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ngày càng mở rộng đối tượng, mức thụ hưởng với chế độ ưu đãi toàn diện hơn. Cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số, được hưởng chính sách ưu đãi. Bên cạnh việc đảm bảo ASXH cho mọi người dân, Đảng và Nhà nước ta cũng quan tâm đặc biệt đến ngững nhóm người yếu thế, ưu tiên những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; ban hành và thực hiện nhiều chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, hôn nhân và gia đình…Trong quá trình ứng phó đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước ta đã kiên định mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo hộ công dân, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, nhân văn, thể hiện tính ưu việt của xã hội ta. Chính phủ Việt Nam đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp bảo đảm ASXH như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, hỗ trợ chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ về nước...

Đánh giá cao quá trình thực hiện các chính sách xã hội của Việt Nam trong những năm qua, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: thành tựu lớn nhất của Việt Nam chính là ngày càng có nhiều người hưởng lợi từ các chính sách xã hội. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực giảm nghèo, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, mở rộng bao phủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp…

Những kết quả đạt được về chính sách xã hội trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, phản ánh truyền thống nhân nghĩa, nhân văn của dân tộc và bản chất của chế độ ta luôn lấy con người làm trung tâm, vì sự phát triển tự do và toàn diện của con người.

Có thể khẳng định: Thực hiện chính sách ASXH chính là quá trình cụ thể hóa quyền con người đã được ghi nhận và bảo vệ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Thông qua chính sách xã hội mà quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được bảo đảm ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn, góp phần tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nguyễn Trí Ánh (Tổng hợp)

271 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 604
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 604
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87011014