Bảo đảm nhất quán chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng 

(Chinhphu.vn) - Một trong những hạn chế hiện nay là nguồn lực tài chính của Nhà nước khá hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư lớn. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp phù hợp huy động nguồn lực nhưng vẫn bảo đảm không dồn thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, hướng tới phát triển trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Đây là một trong những nội dung được trao đổi tại Hội thảo “Bảo đảm tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/9.

Hội thảo “Bảo đảm tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng”. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vừa qua, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách trong hàng loạt lĩnh vực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, nhằm tạo đà cho một giai đoạn phát triển kinh tế ổn định ở mức cao và bền vững trong những năm sau.
Ông Trần Quốc Phương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, huy động tối đa các cấp, các ngành, doanh nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu về tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017.
Theo đó, có 3 nhóm giải pháp chính đó là giải pháp nền tảng, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tận dụng mọi cơ hội của kinh tế quốc tế và trong nước để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; đặc biệt là khu vực công nghiệp chế biến chế tạo; kích thích đẩy mạnh xuất nhập khẩu, giải ngân nguồn vốn đầu tư…
“Cần phải khẳng định, dù coi trọng tăng trưởng (chỉ số quan trọng, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác) nhưng Chính phủ không yêu cầu tăng trưởng bằng mọi giá”, ông Phương lưu ý.
Đối với giải pháp dài hạn, Chính phủ vẫn đang tập trung thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao sức cạnh tranh...
Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực tế, một trong những hạn chế hiện nay là nguồn lực tài chính của Nhà nước khá hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư khá lớn.
Trong khi đó, một trong những mục tiêu hướng tới là tìm cách thúc đẩy những lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mà hiện đang bị cản trở bởi môi trường chính sách không thuận lợi, ví dụ như: Các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa nhiều vào công nghệ trong nền kinh tế số. Ông Phương cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và một số bộ, ngành đang triển khai khá tốt việc cắt giảm thủ tục như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương…, nhưng nhìn chung mức độ cải thiện chưa được như kỳ vọng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vừa rồi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có những cải cách khá “dũng cảm”, chỉ đạo quyết liệt về cắt giảm điều kiện kinh doanh, việc lấy đi lợi ích của một số bộ phận không đơn giản, đây là điều đáng ghi nhận.
Hay hiện nay Bộ Tài chính đang tích cực triển khai sửa đổi giao dịch theo hình thức hoá đơn điện tử, giúp minh bạch hoá giao dịch sẽ có tác động rất lớn, hạn chế tình trạng “mặc cả” hay “cưa đôi” thuế, giữa doanh nghiệp và cán bộ thu thuế, vừa chống thất thu, vừa tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, bên cạnh các chính sách tạo điều kiện thuận lợi từ trung ương nhưng vẫn có chính sách thiếu nhất quán từ một số địa phương.
Đại diện VCCI dẫn ví dụ về một doanh nghiệp phàn nàn việc TP. Hải Phòng có quyết định tăng phí cảng biển, do đó, doanh nghiệp này mỗi chuyến hàng mất thêm khoảng 300-400 triệu tiền phí cảng biển dù sử dụng hạ tầng khá ít. Doanh nghiệp này, hiện có doanh số khoảng 800 tỷ/1 năm, nộp thuế khoảng 30 tỷ, nhưng chủ doanh nghiệp cho biết đang có kế hoạch thu hẹp hoạt động vì gánh nặng chi phí quá lớn.
Từ ví dụ này, ông Tuấn đặt vấn đề khi có các chính sách cần tính toán đến các lợi ích đạt được trước mắt, hay lợi ích tổng thể quốc gia lâu dài, sao cho có lợi nhất.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, loại bỏ các rào cản không cần thiết và chuyển tư duy quản lý từ kiểm soát sang quản lý rủi ro nếu được thực hiện hiệu quả thì sẽ có tác động lớn đối với kích thích tăng trưởng kinh tế. Khâu đột phá được xác định là quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin và sự hưng phấn cho các doanh nghiệp để họ mạnh dạn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó đối tượng được tập trung ưu tiên là khu vực kinh tế tư nhân, vốn còn nhiều tiềm năng phát triển chưa được khai thác.
Về các chính sách mới, ông Đậu Anh Tuấn đặc biệt lưu ý đến dự luật sửa đổi 5 luật thuế cần phải bảo đảm không tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ nhằm tìm kiếm các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ về tăng trưởng bền vững; nguyên tắc, quy trình điều chỉnh chính sách nhằm bảo đảm tính nhất quán với mục tiêu bao trùm là tăng trưởng kinh tế. Thực tế, các chính sách của Bộ Tài chính khá tổng thể, bao gồm cả việc sửa đổi các chính sách về phí, hiện đang lấy ý kiến để sửa hơn 15 Thông tư điều chỉnh giảm các loại phí cho doanh nghiệp, do đó, cần có sự nhìn nhận bao quát hơn các vấn đề.
Có cùng quan điểm, nhưng TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc cải thiện, cắt giảm điều kiện kinh doanh là cần thiết nhưng chưa đủ vì đó chỉ là khâu gia nhập thị trường. Một doanh nghiệp phát triển sau khi gia nhập thị trường, còn nhiều công đoạn cần quản lý tốt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như hợp đồng kinh doanh, thực hiện cạnh tranh bình đẳng, khả năng rút lui ra khỏi thị trường…
Đề cao tính thực chất trong chính sách, bà Nguyễn Thị Tư, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) thẳng thắn cho rằng, vừa qua có nhiều chính sách nhìn thì đúng quy trình, quy định nhưng không có hiệu quả thực chất.
Ví dụ, về vấn đề đầu tư, vừa rồi Luật Đầu tư công có bước tiến nhưng cách thức thực hiện vẫn chưa rõ tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án, chủ yếu cân đối nguồn vốn, chưa đánh giá hiệu quả cụ thể. Khi kết thúc dự án không có đánh giá, quy trách nhiệm, nhiều dự án hiệu quả không mong muốn không có chế tài trách nhiệm rõ ràng.
“Cần phải lấy hiệu quả làm thước đo chứ không chỉ đúng quy định. Thậm chí, nếu khác quy định, nhưng có tính sáng tạo năng động, tốt cho quốc gia, không vì lợi ích cá nhân thì không những không truy cứu mà phải được khuyến khích tạo động lực sáng tạo phát triển", bà Nguyễn Thị Tư góp ý.
Huy Thắng
530 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 806
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 806
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87199018