Bảo đảm không gian phát triển bình đẳng cho mọi ĐH 

(Chinhphu.vn) - Ngày 7/9, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học (dự thảo luật) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp 6 diễn ra vào cuối năm nay.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Dự hội nghị còn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ LĐTB&XH, Hội Khuyến học, Hiệp hội Đại học và cao đẳng Việt Nam…

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết đã có nhiều hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia các chuyên gia, nghiên cứu tiếp thu, ý kiến về dự thảo luật.

Những vấn đề ý kiến khác nhau cần xin ý kiến các đại biểu bao gồm mô hình hệ thống cơ sở giáo dục ĐH; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của ĐH tự chủ trong đó có cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị ĐH, hội đồng trường; phát triển ĐH tư thục, khuyến khích phát triển ĐH tư thục không vì lợi nhuận; cơ chế tài chính và chính sách đầu tư của Nhà nước đối với giáo dục ĐH…

Chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là dự thảo luật rất được các đại biểu Quốc hội và toàn xã hội quan tâm.

Cần bình đẳng từ tên gọi

Nêu ý kiến về mô hình hệ thống giáo dục ĐH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá: Hiện tại có rất nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao chỉ các ĐHQG, ĐH vùng được gọi là "đại học" trong khi có rất nhiều các trường uy tín, quy mô và số ngành đào tạo lớn như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân… lại không được gọi đúng từ định danh đó.
Tương tự, mô hình hệ thống giáo dục ĐH phân thành ĐH và trường ĐH sẽ gây khó khăn cho việc hội nhập vì khi dịch ra tiếng Anh chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường ĐH là “University”.
Đề cập đến những hạn chế trong mô hình tổ chức của 2 ĐHQG cũng như 3 ĐH vùng hiện nay, Phó Thủ tướng chỉ rõ, các cơ sở này được hình thành từ những năm 1995, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là một biện pháp sáp nhập cơ học các trường đại học lại với nhau và việc vận hành cho đến bây giờ, không phải đều thuận lợi. 

Vì thế, phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra sẽ khó tháo gỡ được những bất cập thực tế đã bộc lộ. Trong khi đó, phương án đề xuất của cơ quan soạn thảo dựa trên nguyện vọng của nhiều trường ĐH, sẽ giải quyết được các vấn đề này, mặc dù chưa triệt để theo xu hướng quốc tế. Tinh thần là giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục ĐH, không nên chỉ vì tên gọi mà để các trường bị kìm hãm, chỉ ở mức đấy thôi, không được phát triển, vươn lên…

Nhiều đại biểu như Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình), Bùi Huy Tùng (TP. Hải Phòng) đánh giá ban soạn thảo rất nghiêm túc, cẩn thận, tiếp thu thấu đáo các ý kiến đóng góp, điều chỉnh, sửa đổi cơ bản nhều vấn đề và đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 6.

Mô hình hệ thống giáo dục ĐH đã được đặt ra như một vấn đề định hướng căn bản, quan trọng nhằm tạo lập không gian chính sách phát triển cho các cơ sở giáo dục ĐH.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình xu thế tại một số nước hiện nay hình thành sự kiên kết giữa các trường ĐH thành các tổ hợp giáo dục có quy mô lớn (như các ĐH quốc gia, ĐH vùng), nguồn lực bảo đảm nhu cầu đào tạo liên ngành, đa lĩnh vực. Do vậy, pháp luật nhiều nước đã để mở đối với các phương án liên kết giữa các trường ĐH để hình thành nên các ĐH.

Tranh luận về quan điểm này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) đề cập đến tâm lý nhìn nhận, xếp hạng ĐH dựa vào quy mô thay vì thực lực, tiềm năng phát triển, xu thế, nhu cầu của người học, của đất nước. Vì vậy, mô hình hệ thống giáo dục ĐH phải bảo đảm bình đẳng để tất cả cơ sở giáo dục ĐH có cơ hội phát triển đầy đủ. Một số yêu cầu được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt ra đối với mô hình hệ thống giáo dục ĐH là: Cơ sở giáo dục ĐH có tư cách pháp nhân, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình; bình đẳng; không phân biệt quy mô, loại hình ĐH công lập hay tư thục để phát huy sáng tạo, huy động nguồn lực từ xã hội...

“Mô hình liên kết giữa các trường ĐH để hình thành những ĐH lớn cần xác định rõ là liên kết mềm hay liên kết cứng. Nếu đây là liên kết mềm do các trường tự quyết định tức là ĐH được tự chủ mới tự quyết định liên kết với trường nào tuỳ vào cơ sở vật chất, năng lực giáo viên, học thuật, tài chính… và Nhà nước không can thiệp. Do đó, tăng tự chủ cho đại học là biện pháp thúc đẩy liên kết giữa các trường ĐH nhưng thời điểm nào, phương thức nào là do các trường là tự quyết định còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ tạo không gian, chính sách cho các trường phát triển bình đẳng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu.

Đồng tình với cách tiếp cận như vậy, PGS.TS Nguyễn Đình Hương, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Trần Xuân Nhĩ, Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) cho phải "định danh" lại ĐH theo đúng quốc tế. Tất cả cơ sở giáo dục ĐH được gọi là ĐH thay vì có sự phân biệt 2 ĐHQG, 3 ĐH vùng với các trường ĐH khác như hiện nay. Tuỳ vào điều kiện mỗi ĐH mà có hay không có các trường thành viên. Thực tế, đã có những phản ánh của các trường ĐH thành viên trong ĐH vùng về những bất cập trong bộ máy tổ chức, điều hành cồng kềnh, mang tính trung gian. "Tất nhiên một ĐH không có nghĩa là tương đương với ĐHQG, ĐH vùng bởi khác biệt về những nhiệm vụ, sứ mệnh ở tầm vùng, quốc gia”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) nêu ý kiến. Ảnh: VGP/Đình Nam

Quản lý giáo dục ĐH: Từ kiểm soát sang giám sát

Nhấn mạnh giáo dục ĐH góp phần quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia, GS. Phạm Tất Dong cho rằng luật phải có những quy định, chuẩn bảo đảm chất lượng đào tạo ĐH rất cụ thể, “trường nào không đáp ứng chuẩn thì phải giải thể, không cho hoạt động”.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị nâng chất lượng kiểm định và coi đây là điều kiện thực hiện tự chủ, bảo đảm bình đẳng, khắc phục tình trạng “kiểm định theo kiểu chỉ định, chỉ kiểm định cơ sở vật chất mà chưa quan tâm đến giáo viên, giáo trình, chương trình đào tạo”.

Về bộ máy, tổ chức trong trường ĐH, nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về cơ cấu, quyền hạn và mối quan hệ của hội đồng trường với hội đồng ĐH, hội đồng quản trị, hiệu trưởng, ban giám hiệu…

Cụ thể, để hội đồng trường hoạt động hiệu quả thì cần có những điều khoản bảo đảm chất lượng thành viên hội đồng trường; phân định rõ trách nhiệm chuyên môn, quản lý giữa Chủ tịch hội đồng trường và Hiệu trưởng; đặc biệt trong các trường tư thục là trách nhiệm hội đồng quản trị, nhà đầu tư đối với hội đồng trường; mối quan hệ giữa hội đồng trường ĐH với hội đồng của các trường, viện thành viên…

PGS.TS Nguyễn Đình Hương cho rằng cần thống nhất cách gọi ĐH theo đúng quốc tế. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đặt vấn đề: ĐH được tự chủ về tổ chức, nhân sự nhưng công tác tuyển dụng, sử dụng lao động không được nêu trong luật, như vậy mức độ tự chủ của nhà trường có đáp ứng được không hay vẫn phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước, còn vướng mắc trong pháp luật về công chức, viên chức?

“Luật nên giao quyền tuyển dụng và quyết định hợp đồng làm việc cho các trường bởi nhiều trường hợp nếu chỉ tuyển dụng nhân sự để thực một nhiệm vụ trong 5-6 năm hay cần tuyển ngay người giỏi vào bộ máy không qua thời gian thử việc thì hiện nay các trường không thực hiện được”, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.

Quy định về giảng viên cũng cần có độ mở, linh hoạt đối với các chuyên gia, kỹ sư làm việc tại DN tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức thực tế cho sinh viên.

Nhiều đại biểu đồng tình với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến chức danh chủ tịch, thành viên hội đồng trường. Về lâu dài các trường tự quyết định lựa chọn người có đủ khả năng bảo đảm mục tiêu phát triển, sứ mệnh của mỗi trường nhưng trong thời gian trước mắt cần áp dụng quy định hiện nay về tuổi nghỉ hưu, 2 nhiệm kỳ phải thay đổi, tiến hành tổng kết trước khi nhân rộng.

Bên cạnh đó, đối với tự chủ tài chính có ý kiến cho rằng cần làm rõ những nguồn thu, chi chịu điều chỉnh bởi những luật liên quan đến lệ phí, chính quyền địa phương,  đầu tư… Mối quan hệ tự chủ nguồn thu của ĐH với quy định pháp luật về nguồn thu như học phí chịu điều chỉnh của luật phí, luật chính quyền địa phương cần được làm rõ nếu không luật nói tự chủ nhưng thực tế lại không khả thi.

“Chúng ta không nên lo ngại việc luật không quy định trần học phí thì không kiểm soát được các trường bởi tăng học phí phải đi đôi với nâng chất lượng đào tạo ĐH nhằm thu hút người học có khả năng chi trả và kết hợp với trích quỹ học bổng, dặt hàng đào tạo từ ngân sách Nhà nước để bảo đảm cơ hội học ĐH của sinh viên nghèo, đối tượng khó khăn, yếu thế…”, ông Cương bày tỏ.

PGS.TS Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh để thực hiện thành công tự chủ ĐH, quản lý nhà nước phải chuyển từ cơ chế kiểm soát sang giám sát.

 

Đình Nam
756 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 821
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 821
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87137412