Nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với hoạt động của các chủ thể giám sát

Trình bày Tờ trình về việc xây dựng Quy chế quy định về công tác phối hợp và trình tự, thủ tục tiến hành một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Quy chế được xây dựng nhằm mục đích thống nhất áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện, xử lý kết quả giám sát; giải quyết những vướng mắc thường gặp trong thực tế; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với hoạt động của các chủ thể giám sát.

Dự thảo Quy chế gồm 7 chương, 54 điều quy định cụ thể về: tiêu chí, cách thức lựa chọn, nguồn thông tin để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, thời gian tổ chức chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc trả lời chất vấn bằng văn bản. Việc tổ chức chất vấn tại kỳ họp Quốc hội theo hướng lấy nhóm vấn đề chất vấn làm trọng tâm, những cá nhân liên quan tham gia trả lời chất vấn nhằm đưa ra giải pháp giải quyết triệt để vấn đề chất vấn; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm cá nhân Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng trả lời các chất vấn thuộc trách nhiệm của các Phó Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực phụ trách.

Sau hoạt động chất vấn tại mỗi kỳ họp, ngoài việc ban hành nghị quyết về chất vấn, Quy chế quy định việc xin ý kiến đánh giá của đại biểu Quốc hội về kết quả hoạt động chất vấn thông qua Phiếu xin ý kiến đánh giá kết quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; quy định này giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở đánh giá được hiệu quả hoạt động chất vấn một cách khách quan, chính xác, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn trong thời gian tới.

Giám sát chuyên đề là hoạt động giám sát yêu cầu phải phối hợp nhiều cơ quan, tiến hành trong nhiều tháng, phạm vi rộng; trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu không có những quy định cụ thể, chặt chẽ sẽ gặp nhiều vướng mắc, bất cập, hiệu lực, hiệu quả giám sát còn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người tổ chức thực hiện.

Quy chế quy định rõ hơn về trách nhiệm báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; việc ban hành kế hoạch, đề cương báo cáo để tạo sự thống nhất và đáp ứng yêu cầu của cơ quan giám sát; trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội trong việc thẩm tra, tổng hợp các báo cáo thẩm tra; yêu cầu đối với báo cáo thẩm tra; yêu cầu đánh giá đối với việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát với các mức cụ thể. Đồng thời, giao Văn phòng Quốc hội giúp Tổng thư ký Quốc hội thực hiện việc theo dõi, đôn đốc chung; báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm và tại hai thời điểm quan trọng nêu trên.

Về xem xét kiến nghị giám sát của các cơ quan, đây là hoạt động mới so với trước, Ban soạn thảo xây dựng các quy định theo hướng các kiến nghị được tổng hợp lại và xem xét làm 2 đợt trong năm (vào tháng 4 và tháng 9 hằng năm).

Bảo đảm hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, gọn nhẹ

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến tại Phiên họp. (Ảnh: TH).

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết Quy chế, các ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết và các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Quy chế nhằm bảo đảm thực hiện thẩm quyền về giám sát và tổ chức hoạt động giám sát của UBTVQH do Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định, góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát.

Tờ trình của Ban soạn thảo nêu hai loại ý kiến về việc quy định trần số lượng khi thực hiện một số hoạt động của Đoàn giám sát như số chuyên đề giám sát hàng năm, số đoàn công tác, số địa phương đến làm việc trực tiếp, thời gian tổ chức, số lượng đại biểu và thời gian trình bày tham luận đối với hội thảo, tọa đàm do Đoàn giám sát tổ chức… Ngoài các quy định này,  trong dự thảo Quy chế cũng quy định trần số lượng đối với một số hoạt động giám sát khác như số chuyên đề giám sát mà mỗi cơ quan đề xuất khi xây dựng chương trình giám sát, số ngày tổ chức phiên chất vấn, số nhóm vấn đề chất vấn được dự kiến…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức, việc quy định các nội dung mang tính định lượng là cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hiện nay, đồng thời, tạo thuận lợi cho các cơ quan trong quá trình thực hiện, góp phần tổ chức hoạt động giám sát thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Do vậy, cần quy định các nội dung này trong dự thảo Quy chế. Tuy nhiên, đề nghị không quy định những nội dung quá chi tiết như thời gian tổ chức hội thảo, tọa đàm, số lượng đại biểu, thời gian trình …

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, không quy định "cứng" về thời gian tổ chức hội thảo, số lượng đại biểu, thời gian trình bày tham luận... Nội dung này nên giao cho Trưởng Đoàn giám sát, căn cứ tính chất, nội dung, phạm vi của hoạt động giám sát sẽ quy định cụ thể vấn đề này.

Liên quan đến quy định việc tổng hợp, theo dõi việc trả lời kiến nghị cử tri tại Quy chế, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng quy định còn có nhiều chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ Ban Dân nguyện với các cơ quan khác như: Vụ Phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội… Trên cơ sở, đề nghị giao một đầu mối cho Ban dân nguyện tập hợp, tổng hợp, giám sát kiến nghị cử tri, đây cũng là căn cứ quan trọng để chọn nhóm vấn đề giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Đây là hoạt động giám sát chính trị,  đi sâu vào quá trình thực hiện chính sách, khác với thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Vì vậy, cần chọn giám sát tập trung ở một số địa phương, khu vực trọng điểm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, gọn nhẹ hoạt động giám sát của Quốc hội.

Quan tâm đến vấn đề "hậu giám sát", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, về thời gian trả lời chất vấn bằng văn bản cần quy định rõ từ 3-5 ngày. Ngoài ra, đối với quy định người được chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn thay mình cũng cần mềm dẻo trong trường hợp người được UBTVQH xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Quy chế để UBTVQH thông qua tại phiên họp lần sau.

 

 

Thu Hằng